Trong 7 tháng/2018 kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng là do kinh tế thế giới ổn định, thị trường xuất khẩu thuận lợi, DN ký kết được nhiều đơn hàng, mặt khác giá xuất khẩu một số mặt hàng tiếp tục tăng. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: giày dép đạt 2 tỷ USD, chiếm 19,3%, tăng 8,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 384,2 triệu USD, chiếm 3,6%, tăng 20,93%; dệt may đạt khoảng 1,1 tỷ USD, chiếm 10,5%, tăng 7,8%; xơ, sợi dệt các loại đạt 943,6 triệu USD, chiếm 8,9%, tăng 18,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 776,7 triệu USD, chiếm 7,3%, tăng 17,4% so cùng kỳ.
Về thị trường xuất khẩu trong 7 tháng/2018 chủ yếu tập trung vào thị trường chủ lực truyền thống như Mỹ đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; Trung Quốc đạt 1 tỷ USD, chiếm 9,8%; Nhật Bản đạt 896,7 triệu USD, chiếm 8,5%... Các thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu khá cao như Đài Loan, Hàn Quốc, Đức…
Nếu như trước đây, nhiều DN ở Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa phải qua những đối tác và nước trung gian nên khả năng cạnh tranh giảm hơn so với hàng cùng loại từ các quốc gia khác. Nhưng gần đây, các DN đã tìm cách xuất khẩu trực tiếp, giảm bớt khâu trung gian nên sản phẩm cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng tận dụng tốt các cơ hội từ hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết để hưởng các ưu đãi về thuế.
Kim ngạch nhập khẩu trong 7 tháng/2018 đạt 9 tỷ USD, tăng 8,1% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tăng là do các DN ngoài nhà nước được sự hỗ trợ từ Chính phủ mở rộng sản xuất; các DN thuộc các thành phần kinh tế không ngừng đầu tư đổi mới máy móc thiết bị phục vụ sản xuất làm cho nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng so cùng kỳ. Đồng thời các DN tìm kiếm được nhiều đơn hàng mới, mở rộng đầu tư sản xuất… nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng lên, giá một số mặt hàng nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại.
Như vậy với kim ngạch xuất nhập khẩu trong 7 tháng/2018, Đồng Nai tiếp tục duy trì giá trị xuất siêu với 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 50% xuất siêu của cả nước.
Đặc biệt, từ năm 2017, Việt Nam mới chính thức xuất siêu thì Đồng Nai đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu trước đó 2 năm, xuất siêu năm sau đều cao hơn năm trước. Các DN có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm nhập khẩu. Đây là một trong những yếu tố bắt buộc nếu DN muốn hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào những nước có ký kết hiệp định thương mại tự do.
Theo báo Công Thương