Nhiều năm liên tục, chỉ số PCI của Đồng Tháp được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước, góp phần quảng bá hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động, sáng tạo và tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Đồng Tháp đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2023, toàn tỉnh có trên 660 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 3.945 tỷ đồng; nâng số doanh nghiệp đang hoạt động lên gần 5.300 doanh nghiệp. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được các cấp, ngành quan tâm, đẩy mạnh.
Công tác xúc tiến đầu tư được Đồng Tháp triển khai tích cực, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư. Tỉnh tổ chức thành công Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Đồng Tháp năm 2023, Hội nghị hợp tác đầu tư - thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM. Năm 2023, toàn tỉnh thu hút được 21 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6.507 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án FDI với số vốn 602 tỷ đồng.
Đối với các dự án đăng ký đầu tư giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 86 dự án với tổng vốn đăng ký 14.510 tỷ đồng. Có 19 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, 14 dự án đang triển khai và 48 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư.
Trong 2 tháng đầu 2024, toàn tỉnh có 114 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký gần 535 tỷ đồng. Năm 2024, Đồng Tháp phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 600 doanh nghiệp thành lập mới.
Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần đưa kinh tế của tỉnh 3 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách trên địa bàn ước tăng hơn 23%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,76%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11,69%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 44,78%…
Tạo dựng hình ảnh địa phương
Với vị trí chiến lược, Đồng Tháp đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, khẩn trương triển khai các tuyến giao thông quan trọng như: Quốc lộ 30, đường N2, các tuyến cao tốc: Cao Lãnh – An Hữu, Cao Lãnh – Mỹ An nối Đồng Tháp gần hơn với các trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng và cả nước.
Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2024 là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp sử dụng để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư nghiên cứu, xây dựng định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, Đồng Tháp đã trở thành điểm sáng của cả nước về môi trường đầu tư, kinh doanh với 15 năm liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu chỉ số PCI.
Tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đồng thời ban hành chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án Chuyển đổi số, với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, hỗ trợ các mô hình kinh tế tuần hoàn, gia tăng hàm lượng công nghệ để phát triển nhanh và bền vững.
Nỗ lực tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hoá con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, Đồng Tháp phấn đấu trở thành nơi đáng sống, đáng đầu tư, là điểm đến hấp dẫn được doanh nghiệp và du khách ưu tiên lựa chọn.
“Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của địa phương, tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh trên quê hương Đất Sen hồng” – ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Phạm Thiện Nghĩa:
Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chắt chiu cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp, phát triển khởi nghiệp. Đồng thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn để khơi thông sản xuất; thúc đẩy việc triển khai các dự án xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp trọng điểm sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động. |
Theo Diendandoanhnghiep.vn