Theo các chuyên gia năng lượng cho biết, trong một ngôi nhà hay công trình xây dựng, các thiết bị tiêu thụ năng lượng nhiều nhất là hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều hòa không khí và hệ thống nước nóng. Bởi vậy, thiết kế để tiết kiệm năng lượng (TKNL), giảm thiểu sử dụng năng lượng là một trong những yếu tố đang được nhiều công trình chú trọng. Trong đó, bắt đầu từ khâu thiết kế, vật liệu và công nghệ đóng vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng và TKNL cho công trình. Cũng từ các yêu cầu đó mà Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, một dự án hiện đại ở đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), trước khi đi vào hoạt động, Tòa nhà không những đáp ứng Quy chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình xây dựng và phát triển Kiến trúc Xanh tại Việt Nam mà còn đáp ứng bộ tiêu chuẩn công trình Xanh Lotus mang tính quốc tế đã đặt ra.
Quy mô của Dự án cho thấy, Công trình có diện tích sàn 14.112m2. Để TKNL, công trình sử dụng các tấm lam che nắng dọc mặt tiền hướng Nam; Giảm tỷ lệ diện tích cửa sổ, diện tích tường ở các mặt phía Tây, Bắc và Đông. Vật liệu kính được sử dụng là kính TKNL low-e 2 lớp và tường làm bằng vật liệu không nung.
Nhằm tiết kiệm điện năng, Tòa nhà đã áp dụng hệ thống chiếu sáng nhân tạo đạt hiệu quả tối đa; đồng thời lắp đặt hệ thống điều hòa trung tâm TKNL (VRF), hệ thống pin mặt trời công suất 8 kWp và hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời với công suất làm nóng 37 kW nhằm tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có. Đặc biệt, Công trình sử dụng hệ thống xử lý nước thải có khả năng cung cấp 100% nước thải đã qua xử lý cho việc tưới cây. Hệ thống vòi và thiết bị vệ sinh cũng là công nghệ tiết kiệm nước…
Trong quá trình thiết kế, các giải pháp tối ưu không gian làm việc và ưu tiên không gian xanh đã được tính đến. Cụ thể, 100% không gian có tầm nhìn ra ngoài, 98% không gian được cung cấp khí tươi,18% diện tích khu đất được trồng cây xanh. Trong đó, diện tích mái xanh là 80m2.
Theo kết quả mô phỏng, tại thời điểm hoàn công dự báo, công trình có thể tiết kiệm đến 49,7% năng lượng, 48,8% nước so với một công trình tương tự theo quy chuẩn 09:2013/BXD về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Hội đồng công trình Xanh Việt Nam (VGBC) cho biết, đến đầu năm 2020, cả nước đã có 65 dự án đạt chứng nhận công trình Xanh Lotus và 70 dự án đạt chứng nhận công trình Xanh LEED, một hệ thống đánh giá – chứng nhận công trình Xanh do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ phát triển. Con số này cho thấy, một thị phần của công trình xanh trên thị trường xây dựng Việt Nam còn rất nhỏ so với tiềm năng phát triển. Lý giải về điều này, đại diện VGBC cho hay, lý do cơ bản là bởi tâm lý ngại thay đổi và thiếu động lực canh tân của chủ đầu tư. Vì vậy, việc Nhà nước đi tiên phong phát triển công trình Xanh có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển các dự án xây dựng, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế xanh là trọng tâm.
Hà Nam