Giá lúa hôm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điều chỉnh giảm nhẹ. Tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang ngày 18.9, giá lúa Đài thơm 8 giảm 100 đồng/kg xuống còn 8.000 - 8.100 đồng/kg.
Trong khi đó, các chủng loại lúa còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg, OM 5451 có mức giá 7.700 - 8.100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.700 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Dù giảm nhẹ, tuy nhiên từ đầu vụ Hè Thu đến nay, giá lúa ở ĐBSCL luôn ở mức khá cao. Người dân có lãi, doanh nghiệp mở rộng quy mô thu mua lúa để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu và đàm phán ký kết các hợp đồng với các nước đang có nhu cầu mua gạo để dự trữ trước những động thái hạn chế xuất khẩu của nhiều nước thời gian qua.
Về giá gạo, hôm nay điều chỉnh tăng quanh ngưỡng 100 - 200 đồng/kg. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.900 - 12.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 cũng điều chỉnh tăng 200 - 300 đồng/kg lên mức 14.000 - 14.100 đồng/kg.
Với phụ phẩm, giá biến động trái chiều giữa các mặt hàng. Cụ thể, giá tấm IR 504 điều chỉnh tăng 150 đồng/kg lên mức 11.800 - 12.000 đồng/kg; trong khi đó, giá cám khô quay đầu giảm 400 đồng/kg xuống còn 6.700 - 6.800 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ giá gạo không có biến động. Cụ thể ở mức 15.500-17.000 đồng/kg; nếp ruột hiện ở mức 16.000-21.000 đồng/kg; gạo tẻ thường ở mức 13.000-15.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng dao động quanh mốc 16.000 đồng/kg…
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất lúa năm nay đạt nhiều thắng lợi nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngoài thành công về diện tích gieo trồng, sản lượng, còn ghi nhận giá lúa ở mức cao và sản lượng xuất khẩu tăng, đạt được mục tiêu kép khi “trúng mùa, được giá”.
Mặc dù gặp phải những yếu tố bất lợi của thời tiết nhưng các địa phương, người dân đã nỗ lực vượt qua thách thức để đạt được mục tiêu của ngành hàng. Nông dân có lãi, doanh nghiệp xuất khẩu gạo với giá cao và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu hôm nay duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 613 USD/tấn và gạo 25% tấm dao động ở mốc 598 USD/tấn.
Giá gạo của Thái Lan giảm nhẹ. Cụ thể giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 608 USD/tấn (giảm 3 USD/tấn); gạo 25% tấm có giá 552 USD/tấn (tăng 2 USD/tấn); gạo 100% tấm có giá 466 USD/tấn (giảm 2 USD/tấn).
Giá gạo của Pakistan giữ nguyên. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 608 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá 538 USD/tấn; gạo 100% tấm có giá 518 USD/tấn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo từ nay đến cuối năm, Philippines dự kiến sẽ nhập thêm 1,1 triệu tấn gạo, Indonesia khả năng nhập thêm khoảng 700.000 tấn gạo. Các thị trường khác như Malaysia, Trung Quốc cũng có kế hoạch nhập khẩu gạo trong thời gian tới.
Cùng với đó là lịch thời vụ cho vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long được bắt đầu sớm khi người dân xuống giống vào đầu tháng 10. Dự kiến thu hoạch vào tháng 1.2024. Trong khi đó, vụ Thu Đông 2023 đã bắt đầu thu hoạch và sẽ kéo dài tới tháng 12.2023. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu gạo. |
Theo Lao động