Giá xăng dầu tác động mạnh đến CPI
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước quý I/2022 diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng dầu điều chỉnh 7 đợt thời gian qua là một trong những nguyên nhân làm tăng CPI tháng 3. Bên cạnh đó, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào cũng là nguyên nhân gây áp lực lên Chỉ số CPI.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ, xăng dầu là mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao do những xung đột chính trị trên thế giới. Chưa kể, xăng dầu còn là đầu vào cho nhiều mặt hàng nên khi giá tăng, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá theo. Trong khi giá giảm, các mặt hàng khác chưa chắc đã giảm theo, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng 2/2022; CPI bình quân quý I năm 2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021.
Bà Phùng Ánh Ngọc – Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết thêm, từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát. Đơn cử, giá xăng dầu vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường do tác động từ cuộc xung đột chính trị Nga và Ucraina; giá xây dựng tăng cao do chi phí đầu vào ngành xây dựng tăng. Chưa kể, tháng 4 có kỳ nghỉ lễ kéo dài nên giá dịch vụ du lịch cũng có xu hướng tăng cao. Giá các bộ sách giáo khoa cao hơn giá mặt hàng này trước đây…
“Chúng tôi đánh giá cao Bộ Công Thương trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đề xuất giảm thuế môi trường cho mặt hàng xăng dầu… Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, các giải pháp điều hành phải rất tích cực để mục tiêu CPI có thể đạt được” – bà Phùng Ánh Ngọc chỉ rõ.
Giải pháp nào cho điều hành giá?
Để kiềm chế giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không tác động quá lớn đến tình hình CPI, liên tục trong tháng 2 và tháng 3, Ban chỉ đạo điều hành giá đều tổ chức họp để xây dựng và cập nhật các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát thị trường, đặc biệt là giá mặt hàng xăng dầu. Tại các thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đều giao các bộ ngành, địa phương triển khai các giải pháp điều hòa cung cầu, kiểm soát thị trường, theo dõi các biến động vè giá để triển khai các giải pháp bình ổn giá; chưa tăng giá các mặt hàng nhà nước quản lý giá.
Với diễn biến CPI của quý I vừa qua, các bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Giá xăng dầu vẫn đang tăng khá mạnh và không ít người lo ngại hệ quả của việc xăng dầu tăng giá sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, nhu cầu nguyên vật liệu tiếp tục tăng khi các hoạt động phục hồi kinh tế được triển khai, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao.
Dù vậy, giá xăng dầu hiện đang biến động theo cả chiều hướng tăng, giảm theo diễn biến giá thế giới. Trong 2 kỳ điều hành gần đây, giá xăng đã giảm nhẹ. Đây là một trong những yếu tố góp sức cho mục tiêu kiểm soát CPI thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ Công thương đã vào cuộc, cùng với việc cam kết đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, bộ này đã giao cho lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, thu lời bất chính.
Theo kết quả báo cáo sơ bộ của các cục quản lý thị trường địa phương, đến cuối tháng 3, tình hình kinh doanh xăng dầu cơ bản ổn định trở lại, các hiện tượng thiếu xăng dầu, đóng cửa không bán hàng trong giờ quy định giảm và dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, trong công tác điều hành, quản lý giá cả từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ần nhiều yếu tố rất khó lường.
Do đó, bên cạnh việc điều hành thận trọng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đảm bảo nguồn cung cho các mặt hàng thiết yếu, Tổ điều hành thị trường trong nước đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
Theo báo Công Thương