Thứ Sáu, 22/11/2024 12:21:00 GMT+7
Lượt xem: 4581

Tin đăng lúc 12-07-2017

Dư địa tăng trưởng kinh tế và những vấn đề đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2017

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt 5,73%. Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng năm 2017 là 6,7% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%. Đó là thách thức không hề nhỏ, bởi dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP cả năm nay của Việt Nam chỉ đạt khoảng 6,3%. Giải pháp nào để đạt được tăng trưởng GDP năm 2017 như mong muốn. Phóng viên Nguyên Long có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong về vấn đề này.
Dư địa tăng trưởng kinh tế và những vấn đề đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2017
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế

PV: Thưa ông, theo dự báo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng GDP cả năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 6,3%. Nếu kinh tế quý II đạt mức tăng trưởng hơn 6% và Việt Nam vẫn kiên định tăng trưởng cả năm đạt 6,7%  thì 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng GDP trên 8%. Theo ông, chúng ta có những dư địa nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng này?

 

TS. Nguyễn Minh Phong: Rõ ràng việc tăng trưởng cuối năm là một thách thức thật sự, không dễ và không tự nhiên đến được. Ở góc độ khác, chúng tôi cho rằng, sẽ không quá khó, nếu coi tăng GDP là mục tiêu duy nhất. Nếu chỉ lấy tốc độ tăng GDP là thước đo thì chỉ đơn giản là tăng mạnh đầu tư công, tăng mạnh nợ công thì chúng ta sẽ có tốc độ tăng trưởng như ý muốn. Vấn đề là làm sao tăng trưởng 6,7% nhưng không tăng nợ công, không tăng nợ xấu, không tăng lạm phát, không hủy hoại môi trường, làm gia tăng tham ô, lạm dụng khác. Với tinh thần đấy thì các dự địa có thể chỉ ra là chúng ta cần tăng đầu tư công. 5 tháng đầu năm mới giải ngân được 30% tổng kế hoạch đầu tư công, thì đây là tốc độ chậm. Thứ hai là dư địa của khu vực kinh tế tư nhân, phải coi khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng chính. Thứ ba là, tìm kiếm mở rộng cơ hội xuất khẩu, theo dự đoán của các tổ chức quốc tế là có sự tăng trưởng tốt hơn các năm trước. Chúng ta cũng phải khai thác các cơ hội từ hội nhập. Chúng ta cũng có cơ hội từ ứng dụng công nghệ cao cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Đồng thời hình thành hiệu quả hơn chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, động lực về tinh thần, tổ chức, siết chặt kỷ luật cũng rất quan trọng.

 

PV: Một số chuyên gia cho rằng, cần đặt trọng tâm vào hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bởi có rất nhiều dư địa cho tăng trưởng… Ông có đồng tình với quan điểm này không và vì sao ? Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng hai đầu tàu kinh tế này ?

 

TS. Nguyễn Minh Phong: Chúng tôi cũng rất đồng tình với quan điểm này, đơn giản, tính tổng về GDP của 2 thành phố này cũng chiếm 1/3 của các nước, 40% thu ngân sách, 50% tổng số doanh nghiệp của cả nước, trên 50% tổng thị trường tài chính cả nước. Đồng thời là những trung tâm về công nghiệp, công nghệ cao… đây là các điều kiệm để đầu tư xúc tiến thương mại rất tốt và là những động lực. Những giải pháp cho hai thành phố này là cần khai thác cơ chế đặc thù, Hà Nội có Luật Thủ đô, TP. Hồ Chí Minh có Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ chế đặc thù cho thành phố, để hai thành phố phải khai thác cao hơn nữa. Cần cải thiện môi trường đầu tư để tăng động lực tư nhân ở đây. Hai trung tâm này phải ra tăng hơn nữa vai trò là nguồn khoa học công nghệ cao, nguồn nhân lực cao, các dịch vụ công nghệ cao, cũng như là phát triển trung tâm du lịch, trung tâm tài chính, thương mại…, để từ đó là động lực tăng trưởng cho các khu vực, địa phương khác. Ngoài ra, cần khuyến khích hơn nữa vai trò của hai vùng này, phát huy vai trò trung tâm thương mại, trung tâm xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước. Gắn kết giữa các doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng mới. Do vậy, việc phát triển mạnh mẽ của hai thành phố là cần thiết.

 

 

Dư địa tăng trưởng kinh tế

 

PV: Một giải pháp tăng trưởng xuất khẩu được tính đến là nông nghiệp cũng được cảnh báo là không có nhiều kỳ vọng. Ông nhìn nhận thế nào về xuất khẩu 6 tháng cuối năm của Việt Nam? Lĩnh vực nào, thị trường nào dự kiến sẽ cho tăng trưởng xuất khẩu cao trong những tháng cuối năm cần đặt trọng tâm?

 

TS. Nguyễn Minh Phong: Chúng ta thấy xuất khẩu về nông nghiệp cũng đang gặp khó khăn trước biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Đồng Bằng Sông Cửu Long - chiếm hơn một nửa vựa nông sản của Việt Nam, mất hơn 500 ha do biến đổi khí hậu. Rõ ràng, xuất khẩu dựa vào yếu tố tự nhiên cũng đang có vấn đề. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi cho rằng, vẫn phải tiếp tục tập trung vào danh mục sản phẩm chủ lực kể cả công nghiệp, nông nghiệp cũng như dịch vụ, chúng ta chưa thể có đột phá để tìm kiếm sản phẩm mới. Nhưng tôi cũng lưu ý có một số sản phẩm mới xuất hiện nhưng cũng rất khả quan. Ví dụ như rau quả, hai năm nay chúng ta ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, xử lý sau thu hoạch, tạo điều kiện xuất khẩu đi các nước, cũng như áp dụng công nghệ cao trong kỹ thuật nuôi trồng, nửa đầu năm nay, chúng ta xuất khẩu tỷ rưỡi đô la Mỹ rau quả. Dự kiến năm 2017 là 3 tỷ đô la, vượt qua kim ngạch xuất khẩu của dầu mỏ, gạo. Bên cạnh đó, năm nay, gạo cũng có triển vọng tăng đơn đặt hàng cũng như giá, thủy hải sản cũng là mảnh đất có dư địa, hàng điện tử, máy móc thiết bị… cũng có triển vọng. Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa thì xuất khẩu dịch vụ cũng là điểm nhấn của năm nay cũng như các năm tới.

 

PV: Theo nghiên cứu của tác tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp, chỉ có 48% doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh. Do đó, việc tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm chi phí để kích thích doanh nghiệp bỏ vốn mở rộng đầu tư kinh doanh cũng là giải pháp trọng tâm được các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây (bởi theo điều tra, có tới hơn 66% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức). Doanh nghiệp càng lớn thì bị thanh tra càng nhiều và đó là một trong những lý do khiến DNVN (cố tình) không chịu lớn; Hiện nay, chỉ có khoảng 48% doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư kinh doanh… Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

 

TS. Nguyễn Minh Phong: Nếu so sánh với khu vực đầu tư nước ngoài FDI, thì theo con số của Tổng cục Thống kê, cũng như các con số của Tổ chức nước ngoài thì dường như lòng tin, kế hoạch mở rộng thị trường của khu vực FDI lại khả quan hơn. Tỷ lệ muốn mở rộng đầu tư, tỷ lệ tin tưởng, muốn tăng trưởng khu vực nước ngoài lại cao hơn khu vực trong nước. Với tinh thần đấy, việc cải cách hành chính cần mạnh mẽ hơn nữa, giảm chi phí không chính thức (chiếm 10% tổng doanh thu khu vực trong nước hiện nay) phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Một Chính phủ kiến tạo thì phải loại được những chi phí tốn kém như vậy. Phải tạo được lòng tin chính sách, ổn định thị trường, có được đầu ra ổn định thì như vậy chúng ta sẽ tăng được tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng đầu tư, làm ăn có lãi.

 

PV: Ông nghĩ gì về đề xuất/kiến nghị của một số diễn giả khi cho rằng, thay vì chì chiết, chỉ trích, trách móc, sử dụng các biện pháp áp đặt, hành chính… phải nâng cao năng lực, tạo động lực, xây dựng động lực cho đội ngũ thực thi công vụ để thông qua đó giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, bởi suy cho cùng đây chính là lực lượng hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế?

 

TS. Nguyễn Minh Phong: Chúng ta không nên nặng nề quá về việc bắt lỗi ai đó vì không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, quan trọng là phải tạo động lực tăng trưởng bền vững để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt động lực từ thể chế, đội ngũ cán bộ công nhân viên chức trực tiếp quản lý kinh tế, doanh nghiệp… Rõ ràng, doanh nghiệp Việt đang chịu gánh năng về thể chế, chi phí… Những yếu tố đầu vào như là tài chính thì khá tốt rồi nhưng thể chế hay là chi phí mặc định, không chính thức được mặc định là chính thức thì chiếm rất cao. Vì thế, đòi hỏi quyết tâm cao, phải biến thành hành động của Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương thì mới ra được. Đương nhiên, cũng cần vai trò hợp tác cùng các doanh nghiệp cũng cần thiết, doanh nghiệp cố tình làm hỏng đội ngũ cán bộ thì cũng cần bắt lỗi.

 

PV: Nhiều quan điểm khẳng định, vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, đến năm 2020 phải bãi bỏ ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh hiện hành. Theo ông, liệu có làm được không và nếu làm được thì sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế?

 

TS. Nguyễn Minh Phong: Chúng ta đang có xu hướng thị trường hóa, phối hợp giữa Nhà nước và thị trường hài hòa nhất, chúng ta có quyết tâm rất cao cải cách hành chính. Trên thực tế thì chúng ta cũng bớt được rất nhiều rào cản, tự do hóa hoạt động kinh doanh, bớt được hơn một nửa điều kiện kinh doanh trong thời gian qua, nhưng vẫn còn những điều kiện kinh doanh không cần thiết. Giảm các thủ tục thì cũng phải giảm chi phí mặc định.

 

 

PV: Thưa TS. Nguyễn Minh Phong, câu hỏi được đại diện Ban kinh tế Trung ương đặt ra cho các diễn giả, khách mời tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017, rằng: Có giải pháp nào khác để không cần tăng cường tiêu thụ các loại khoáng sản tồn kho và khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô, 2 triệu tấn than đá mà vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% không?

 

TS. Nguyễn Minh Phong: Chắc chắn là có, chúng ta phải lưu ý rằng, vai trò tỷ trọng của các ngành khai khoáng thì đang giảm rất mạnh, dầu mỏ như năm ngoái chúng ta dự liệu đóng góp 10% tổng thu ngân sách nhưng trên thực tế thì chỉ 5% thôi. Năm nay, chúng ta phải khai thác 1 triệu tấn dầu mỏ để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh giá dầu có thể lên. Những dư địa để phát triển kinh tế như giải ngân đầu tư công, khu vực tư nhân, công nghệ cao hay những chuỗi liên kết cung ứng, mở rộng xuất khẩu… Những động lực này nếu làm tốt thì chúng ta có được động lực tăng trưởng bền vững.

 

PV: Cảnh báo những điểm lưu ý của ông trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng gắn với ổn định vĩ mô không?

 

TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, trước hết cần phải có cơ sở pháp lý, cơ sở pháp lý này phải phù hợp với thị trường, phù hợp với hội nhập và mang tính pháp chế. Phải thực sự coi trọng công tác cán bộ, coi trọng trách nhiệm năng lực và không bắt lỗi. Phải thực sự coi trọng khu vực kinh tế tư nhân như động lực tăng trưởng chính, phải mạnh mẽ hơn những hoạt động về thông tin, hỗ trợ thị trường, hài hòa các lợi ích và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

 

PV: Xin cảm ơn TS. Nguyễn Minh Phong về cuộc trao đổi này.

 

Nguyên Long (thực hiện).


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang