Nhân dịp tròn 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), sau 7 thập kỷ xây dựng và phát triển, Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gặt hái nhiều thành công để Thăng Long - Hà Nội mãi xứng danh là trái tim của nước Việt Nam.
Chiếm trọn trái tim của du khách quốc tế
Sự phong phú của hệ thống di sản, kết hợp với sự phát triển không ngừng của hạ tầng du lịch và dịch vụ chất lượng cao đã giúp Hà Nội đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sự đổi mới và sáng tạo trong việc phát triển các sản phẩm du lịch của Thủ đô, nhằm mang đến những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn.
Đối với khách quốc tế, Hà Nội dường như luôn là điểm dừng chân không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Việt Nam. Thủ đô của Việt Nam hấp dẫn khách quốc tế bởi văn hóa, di sản đa dạng, bề dày truyền thống lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đẹp…
Hà Nội được các tổ chức, báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao. Đây là sự động viên, khích lệ, đồng thời là sự khẳng định vị trí, vai trò của du lịch Thủ đô ở trong nước, khu vực và quốc tế. Những đánh giá đó thêm lần nữa khẳng định Hà Nội là thành phố du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn, là cơ hội để ngành du lịch Thủ đô lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp thông qua các sản phẩm du lịch văn hóa để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế.
Thách thức mới, cơ hội mới
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, du lịch Thủ đô cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử của Thủ đô nghìn năm tuổi để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế tạo ra thách thức của việc hình thành hệ văn hóa ngoại lai, là nguyên nhân dẫn đến sự mai một của các giá trị văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, sự phát triển của khoa học-công nghệ tiên tiến với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo đã và đang dần thay thế sức lao động của con người, có thể cũng tạo ra nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của lao động trong ngành du lịch Thủ đô. Chính vì vậy, vấn đề đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là nhiệm vụ quan trọng, then chốt, góp phần đưa du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững, hiệu quả. Trong giai đoạn 2023-2030, Hà Nội tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu phù hợp; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô “An toàn-Thân thiện-Chất lượng-Hấp dẫn”, ngành du lịch Hà Nội đề cao việc phát triển du lịch có trách nhiệm, phát triển du lịch hướng đến cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chia sẻ hài hòa lợi ích. Sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các yếu tố văn hóa đặc trưng, mang tính trải nghiệm, ứng dụng khoa học-công nghệ cho các sản phẩm du lịch truyền thống được khuyến khích. Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá nhằm định vị thương hiệu du lịch Hà Nội dựa trên những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội sẽ được đẩy mạnh. Thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các điểm đến di tích, di sản... Hà Nội đang tích cực nghiên cứu, triển khai thí điểm mô hình đầu tư công-quản lý tư và lãnh đạo công-quản trị tư trong đầu tư, vận hành các khu, điểm du lịch, trong đó có các điểm đến di tích, di sản.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều điểm đổi mới, đột phá, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội, trong đó có ngành du lịch giai đoạn tới, có những sự phát triển vượt bậc, đúng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô cũng như đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Chúng tôi kỳ vọng thông qua luật, du lịch Thủ đô sẽ có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, tạo nên các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có thương hiệu, nhận diện không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả thị trường quốc tế, qua đó tạo một sức bật mới, diện mạo mới cho du lịch Thủ đô.
"Chúng tôi cũng mong muốn hiệp hội du lịch, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch nắm bắt cơ hội vàng này để đẩy mạnh phát triển các loại hình, sản phẩm thế mạnh của mình, triển khai những chương trình quảng bá, xúc tiến, tiếp cận thị trường khách mới, tiềm năng, từ đó, đồng hành với Sở Du lịch trong phát triển ngành du lịch Thủ đô nhanh, mạnh, hiệu quả và bền vững." - bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.
Theo Diendandoanhnghiep.vn