Triển khai linh hoạt, thích ứng với diễn biến dịch
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, việc triển khai "Chương trình khôi phục du lịch nội địa, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19" cũng là quyết tâm của ngành Du lịch trong việc thực hiện "mục tiêu kép", phục hồi du lịch phù hợp với "tình hình mới".
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chương trình khôi phục du lịch nội địa sẽ được triển khai một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh. Hiệp hội cũng xây dựng các tiêu chí an toàn cho du khách và hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp du lịch (lữ hành, cơ sở lưu trú, điểm đến, vận chuyển...), nhằm nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch.
Với Chương trình này, khách từ 18 tuổi phải tiêm đầy đủ các liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Đối với du khách dưới 18 tuổi, phải có xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 48 giờ trước khi tham gia. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động; quy định rõ chi phí xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, chi phí điều trị nếu khách trở thành F0; phải có bảo hiểm với trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh du lịch chỉ lựa chọn những điểm du lịch, đơn vị cung cấp dịch vụ cho đoàn khách bảo đảm tiêu chí an toàn; xây dựng các tuyến du lịch và phương pháp vận chuyển theo lộ trình an toàn. Tại các điểm đến thuộc "vùng xanh", chỉ phục vụ số lượng khách không quá 30% công suất. Với các cơ sở lưu trú, bố trí phòng ngủ 2 người/phòng trở lên theo gia đình hoặc nhóm có cùng yếu tố dịch tễ. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, ưu tiên phục vụ tại phòng. Nếu phục vụ tại nhà hàng, thì phải có bàn ăn riêng cho từng nhóm khách; bảo đảm giữ khoảng cách giữa các nhóm khách, đoàn khách.
Hà Nội sẵn sàng triển khai sản phẩm du lịch an toàn
Theo Sở Du lịch Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã đạt 96,3% dân số trên 18 tuổi và 69,8% tổng dân số được tiêm mũi 1; đạt 17,9% dân số trên 18 tuổi và 13% tổng dân số được tiêm mũi 2. Đây là cơ sở để du lịch Hà Nội sẵn sàng phương án kích hoạt các hoạt động du lịch.
Tại lễ phát động, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, các đơn vị hoạt động du lịch từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến của Hà Nội đều cho thấy một tâm thế luôn sẵn sàng hoạt động trở lại và có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, an toàn để phục vụ du khách.
Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đang tham mưu với UBND thành phố xây dựng chi tiết Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội gắn với phòng, chống dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm. Các giai đoạn khôi phục hoạt động du lịch bám sát kịch bản diễn biến dịch của Bộ Y tế dựa trên hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" gắn với 4 giai đoạn.
"Dự kiến trong tháng 10, với sự cho phép của UBND thành phố, Du lịch Hà Nội sẽ triển khai hoạt động theo giai đoạn 3, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện, hoạt động trở lại. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố", ông Trần Trung Hiếu thông tin.
Tại các đầu cầu tham gia lễ phát động, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng chia sẻ thông tin đã có kế hoạch phục hồi, trước mắt triển khai du lịch nội tỉnh, nội thành phố, tiến tới mở rộng đón khách ngoại tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy đánh giá cao Chương trình phục hồi du lịch nội địa mà Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động với sự chung tay, vào cuộc của các địa phương. Để tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá cho hoạt động của ngành, Tổng cục Du lịch tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số.
Thời gian tới, bên cạnh việc triển khai các hoạt động kích cầu nội địa, nhiệm vụ của ngành Du lịch Việt Nam là thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm: Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)...
Theo Hanoimoi.com.vn