Thế giới đang ở giai đoạn phát triển mới của kỷ nguyên IoT. Đó là tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào thiết bị IoT (AIoT - AI cho vạn vật).
Từ thông minh đến thông tuệ
Cornelius "Pete" Peterson, Giám đốc điều hành của NetSilicon, cách đây 10 năm đã dự đoán rằng kỷ nguyên tiếp theo của công nghệ thông tin sẽ được thống trị bởi các thiết bị IoT và các thiết bị nối mạng cuối cùng sẽ trở nên phổ biến và có tầm quan trọng đến mức chúng sẽ vượt xa số lượng máy tính và máy trạm được nối mạng.
Tầm quan trọng của IoT đối với cuộc sống con người đã được khẳng định. Theo số liệu thống kê của Statista, số lượng thiết bị IoT được kết nối trên toàn cầu trong năm 2022 đã đạt 13,14 tỉ thiết bị và dự báo trong năm 2023 sẽ đạt 15,14 tỉ thiết bị. Chiếm số đông vẫn luôn là thiết bị IoT của người tiêu dùng; năm 2020 chiếm khoảng 60% số lượng thiết bị IoT được kết nối. Tại Việt Nam, IoT là một lĩnh vực quan trọng cả về thị trường ứng dụng lẫn khả năng tham gia. Theo nền tảng nghiên cứu thị trường thế giới Research and Market (Ireland), quy mô thị trường IoT Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ 22,6%/năm, tăng từ khoảng 2,5 tỉ USD vào năm 2021 lên khoảng 8,5 tỉ USD vào năm 2027. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, quy mô thị trường IoT Việt Nam đã đạt hơn 2 tỉ USD vào năm 2019 và dự kiến có thể đạt 7 tỉ USD vào năm 2025.
Với thế mạnh của một nhà sản xuất các thiết bị gia dụng thông minh, Xiaomi là một trong các hãng công nghệ tích hợp AI vào thiết bị tiêu dùng từ rất sớm, mỗi năm đầu tư hàng tỉ USD. Năm 2020, chiến lược toàn cầu của Xiaomi đã được chuyển từ "Smartphone + AIoT" thành "5G + AI + IoT và siêu internet thế hệ tiếp theo". Xiaomi lúc đó cho biết sẽ đầu tư ít nhất 7,7 tỉ USD vào 5G và AIoT trong 5 năm tới. Bây giờ, các thiết bị gia dụng của Xiaomi đã từ "thông minh" (smart) được phát triển thành "thông tuệ" (intelligence). Ngay cả những cây quạt đứng, lò nướng… cũng có tính năng kết nối internet và điều khiển từ xa.
Việt Nam có tiềm năng phát triển
Theo các chuyên gia, với năng lực của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia lĩnh vực IoT và AioT. Việt Nam có thể thiết kế những thiết bị IoT và những thành phần của thiết bị IoT, phát triển các ứng dụng phần mềm cho IoT.
Điển hình là Bkav đã hợp tác với Qualcomm để phát triển những camera giám sát AI View tích hợp AI, Zalo AI phát triển trợ lý giọng nói tiếng Việt AI Kiki cho ô tô… cùng những sản phẩm, ứng dụng IoT đa dạng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các start-up. Khi được tích hợp AI, các thiết bị sẽ hoạt động hiệu quả hơn, cải thiện tương tác giữa con người và máy móc cũng như có khả năng quản lý và phân tích dữ liệu. Chẳng hạn, khi được triển khai để bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Phú Quốc, các camera AI View được Bkav huấn luyện với hàng ngàn hình ảnh về khói, cháy giúp cho thiết bị AIoT này có thể phát hiện ngay một đám cháy rừng và gửi thông tin cảnh báo về người phụ trách.
Các thiết bị tiêu dùng AI không chỉ thông minh hơn do tận dụng nguồn dữ liệu đồ sộ trên internet mà còn có khả năng học tập liên tục trong suốt quá trình hoạt động, hiểu biết người dùng của mình để phục vụ phù hợp với từng người dùng. Chẳng hạn, quạt đứng Smart Standing Fan của Xiaomi với thuật toán gió tự nhiên được mô phỏng ngẫu nhiên sẽ mang lại cho người dùng cảm giác thoải mái hơn với làn gió như trong tự nhiên. Các thiết bị gia dụng AI phục vụ người dùng tốt hơn qua các trợ lý giọng nói AI. Người dùng có thể tương tác với thiết bị, ra lệnh cho nó như thể với "người phục vụ" và đồng thời, thiết bị ngày càng tự học thêm để phục vụ người dùng đúng ý hơn. AI trong đồng hồ thông minh sức khỏe có thể diễn giải các dữ liệu thu thập từ thực tế người dùng để dự đoán, cảnh báo những vấn đề sức khỏe phát sinh trong tương lai. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chứng mất trí nhớ Vương quốc Anh (UKDRI) và Viện Đổi mới khoa học thần kinh và sức khỏe tâm thần (NMHII) tại Đại học Cardiff (Anh) cho biết thuật toán AI trên smartphone có thể phân tích dữ liệu để dự đoán sớm chứng bệnh Parkinson trước khi xuất hiện triệu chứng tới 7 năm.
Theo ông Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm IoT của Viettel High Tech, với khả năng xử lý dữ liệu lớn (Big Data), AI hiểu được hành vi, nhu cầu và tâm tư thực sự của khách hàng. Các công cụ tự động này sẽ hỗ trợ giảm chi phí, tăng giá trị, qua đó thực sự chỉ ra được hiệu quả đem lại của IoT cho doanh nghiệp.
Theo NLĐ