Nhờ việc triển khai và nhân rộng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã sạch sẽ, vệ sinh hơn, công tác kiểm soát thực phẩm được siết chặt hơn.
Thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hơn 2 năm thí điểm, hiện tại, Hà Nội đã duy trì được mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 14 tuyến phố của 12 quận, huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2020, qua kiểm tra cho thấy, tỷ lệ các tiêu chí an toàn thực phẩm của cơ sở đạt từ 80 đến 100%; tuy nhiên, đã có 51 cơ sở bị nhắc nhở tại chỗ và xử phạt 11 cơ sở với số tiền hơn 18 triệu đồng.
Trực tiếp tham gia các đoàn kiểm tra mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) cho biết, mô hình này không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các lỗi vi phạm của cơ sở là nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất…
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cũng cho rằng, trong quá trình triển khai, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ và thức ăn đường phố chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất do phải đi thuê địa điểm trong ngắn hạn. Mặt khác, các hộ kinh doanh thường thay đổi, chủ cơ sở liên tục gây khó khăn cho công tác quản lý, hướng dẫn. Việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực hiện các tiêu chí trong xây dựng tuyến phố giai đoạn đầu còn khó khăn do chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng…
Sau một thời gian triển khai “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, tại phố Hàm Nghi (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) đã có 48 cơ sở dịch vụ ăn uống được gắn biển “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát” và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, khó khăn trong công tác quản lý cũng như triển khai thực hiện và duy trì tuyến phố hiện nay là một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thay đổi chủ, thay đổi mô hình kinh doanh. Sau dịch Covid-19 đã có 8 cơ sở cũ đóng cửa và có thêm 7 cơ sở mới mở cửa. Do đó, có những cơ sở chưa cải thiện, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để phù hợp với tiêu chí tuyến phố.
Sau một thời gian triển khai “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại phố Văn Cao (phường Liễu Giai, quận Ba Đình), ý thức chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ các cơ sở kinh doanh tại tuyến phố này đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Hoàng Hy Thiêm cho rằng, trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở thường xuyên thay đổi nhân viên nhưng chưa bổ sung khám sức khỏe kịp thời nên khó trong công tác quản lý, tập huấn, tuyên truyền. Bên cạnh đó, một số cơ sở đã được quận cấp phát các trang thiết bị bảo hộ đồng bộ, thùng rác, tạp dề nhưng chưa sử dụng theo quy định…
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Theo kế hoạch, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đang được nhân rộng thêm ở 4 tuyến phố mới tại tuyến phố Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy), tuyến phố Ngọc Lâm (quận Long Biên), tuyến phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) và tuyến phố Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm). Khi 4 tuyến phố này chính thức đi vào hoạt động, Hà Nội có tổng cộng 18 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, với 690 cơ sở kinh doanh ăn uống (trung bình 38 cơ sở/tuyến phố) được gắn biển “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát”.
Bà Lê Thị Hằng cho rằng, thời gian qua, 4 tuyến phố này đã được rà soát, khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chế biến thực phẩm. Từ đó, chính quyền địa phương tiến hành tư vấn, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ sở dừng hoạt động. Còn một số cơ sở mới mở cửa trở lại cần được tư vấn, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát nhưng cán bộ tại các quận, phường tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến chậm tiến độ. Do đó, một số cơ sở tại tuyến phố mới có những tiêu chí chưa thực hiện, như: Chưa có biển hiệu phân khu riêng biệt các khu vực chế biến, nơi ăn, cách biệt giữa thực phẩm sống và thức ăn chín; một số cơ sở chưa cải thiện, sửa chữa cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chí đề ra…
Theo ông Trần Ngọc Tụ, trước sự nở rộ của loại hình kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố, việc nhân rộng các mô hình hay về vệ sinh, an toàn thực phẩm như mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” là cần thiết. Do đó, các địa phương cần tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tham gia mô hình này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm. Mặt khác, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phải được tiến hành thường xuyên, đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Theo Báo Hà Nội Mới