Theo Bộ Công Thương, trước đây, các nước Bắc Âu chưa đầu tư nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp Đan Mạch đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng đầu tư mới trong 6 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch vươn lên thứ ba trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Singapore và Hàn Quốc, với tổng vốn là 1,3 tỷ USD.
Số liệu của Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Bắc Âu (trừ Phần Lan không tính vì không thuộc Thương vụ Thụy Điển phụ trách) đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 1,1 tỷ USD, tăng 25,1%.
Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu Nguyễn Hoàng Thúy cho biết, thủy sản, gạo, dệt may, da giày… đặc biệt là cá tra là những mặt hàng Việt Nam được thị trường Bắc Âu ưa chuộng.
“Doanh nghiệp khu vực Bắc Âu thường mua gạo Japonica từ các nước trong khu vực EU như Tây Ban Nha, Italia, hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử, các doanh nghiệp đều hào hứng với gạo của Việt Nam do giá chỉ bằng 1/3-1/2 nhưng chất lượng không thua kém”, bà Nguyễn Hoàng Thúy thông tin.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Vì vậy, người tiêu dùng Bắc Âu sẵn sàng trả cao hơn từ 20% đến 50% cho các sản phẩm có chứng nhận bảo vệ môi trường hay trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững... Đối với thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ. Còn đối với các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày, họ có xu hướng chọn các sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần, sử dụng các nguyên, vật liệu tái chế...
Một xu hướng nữa của người tiêu dùng Bắc Âu vốn có thu nhập cao nhất thế giới là các sản phẩm đặc sản, mới lạ, có lợi cho sức khỏe; có xu hướng giảm các sản phẩm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam thường chọn đưa hàng vào thị trường Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu trung gian lớn tại Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Ba Lan. Vì vậy, theo bà Nguyễn Hoàng Thúy, để nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, vấn đề đặt ra cho công tác phát triển thị trường Bắc Âu trong thời gian tới cần phải có hướng tiếp cận mới.
Cụ thể, cần quảng bá để người tiêu dùng Bắc Âu biết nhiều hơn đến hàng Việt Nam, khi đó các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, do nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, cộng thêm nhân công cao nên các nước Bắc Âu phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, đồng thời ngày càng có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang các nước đang phát triển với chi phí nhân công thấp hơn. Do vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được hàng cho các tập đoàn này (vốn có tiềm lực về kinh tế hoạt động trên khắp thế giới trong rất nhiều lĩnh vực như: Thực phẩm, đồ gia dụng, thủ công, mỹ nghệ...), thì sẽ cung cấp hàng cho mạng lưới bán lẻ rộng khắp của họ.
“Ngoài ra, doanh nghiệp cần ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, thu hút các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu của các nước này về Việt Nam đầu tư sản xuất rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ. Khi đó, không chỉ tăng đầu tư, tăng thu mua nguyên liệu trong nước, tăng kim ngạch xuất khẩu sang các nước Bắc Âu, mà còn tăng xuất khẩu sang các nước khác”, bà Nguyễn Hoàng Thúy khuyến nghị.
Theo Hà Nội mới