Thứ Ba, 26/11/2024 04:54:29 GMT+7
Lượt xem: 1617

Tin đăng lúc 17-05-2019

Đưa hàng Việt vào kênh phân phối nước ngoài: Lần đầu “gõ cửa” châu Phi

Xuất khẩu hàng Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài được đánh giá là cách làm thành công, mang lại hiệu quả cao cho DN Việt trong nhiều năm qua. Hàng Việt Nam đã chinh phục được các chuỗi siêu thị tên tuổi tại khắp các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… Để mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam, Bộ Công Thương lần đầu tổ chức đoàn xúc tiến thương mại (XTTM) tới làm việc tại Nam Phi, từ ngày 10-16/5/2019.
Đưa hàng Việt vào kênh phân phối nước ngoài: Lần đầu “gõ cửa” châu Phi
Trưng bày hàng Việt Nam tại trung tâm thương mại Brooklyn, Pretoria, Nam Phi

Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”, do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đề xuất, và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 9/2015. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, nhằm giúp DN trong nước phát triển một kênh xuất khẩu mới, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống các siêu thị bán lẻ. Cách làm này không những tiết kiệm được một khoản chi phí trung gian khá lớn trong kinh doanh mà còn khiến DN tạo dựng được mối quan hệ đối tác chặt chẽ, trực tiếp, từ đó nắm bắt được những yêu cầu, nhu cầu, thị hiếu cụ thể của thị trường và người tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất.


Đoàn XTTM của Bộ Công Thương, do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và Vụ châu Á - châu Phi phối hợp tổ chức cùng đại diện các DN, trong 5 ngày làm việc tại Nam Phi đã có những hoạt động dày đặc, bao gồm: khảo sát thị trường tại 3 thành phố lớn của Nam Phi là Capetown, Johannesburg và Pretoria, tổ chức hai hội thảo B2B kết nối DN Việt Nam và Nam Phi, trưng bày gian hàng Việt Nam tại trung tâm Thương mại Brooklyn Mall Pretoria, trưng bày gian hàng tại chuỗi siêu thị bán buôn Advance Cash & Carry…

 

 

Giao lưu B2B tìm hiểu trực tiếp các sản phẩm Việt Nam tại hội thảo ngày 14/5/2019


Tham gia đoàn XTTM lần này là những DN sản xuất và chế biến thực phẩm, nông lâm sản, thủy sản lớn của Việt Nam như: Công ty Vinamilk, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Công ty CP Đầu tư TM Thủy sản Incomfish, Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng (Thái Bình), Công ty Xuất khẩu nông lâm sản Song Hỷ (Gia Lai)…

 

Tại Hội thảo “Đưa hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị Nam Phi” tổ chức ngày 14/5/2019 tại Johannesburg, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đã giới thiệu về đề án được Chính phủ Việt Nam phê duyệt: “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”, nêu lên mục tiêu của đề án và các hoạt động cụ thể sẽ triển khai tại thị trường Nam Phi và các nước lân cận. Bà Hiền nhấn mạnh, Nam Phi là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, là cửa ngõ thuận lợi để các DN Việt Nam có thể thâm nhập thị trường châu lục với 1,2 tỷ dân này.

 

Bà Nguyễn Thảo Hiền cho rằng, kinh nghiệm từ việc triển khai đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á cho thấy lợi ích thiết thực, hiệu quả đáng kể đối với DN như: đạt mức doanh thu lớn, ổn định, lâu dài; giảm chi phí trung gian, tiếp cận và học hỏi được ở bạn hàng, đối tác tin cậy là các nhà phân phối lớn; tương tác trực tiếp và nắm bắt phản hồi với khách hàng là người dùng cuối…Những điều này sẽ đặc biệt phát huy lợi thế khi DN Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại khu vực thị trường châu Phi, vốn đặc thù là địa bàn khó khăn, xa xôi, thiếu thông tin, có tính rủi ro cao trong thanh toán…

 

 

Chủ trì hội thảo tại Johannesburg: bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, ông Herman Breedt, Chủ tịch Phòng TM và CN Johannesburg, bà Jacki Luthuli, Phó Chủ tịch Phòng TM và CN Johannesburg, ông Đào Mạnh Đức, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi


Đồng chủ trì hội thảo, ông Herman Breedt, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Johannesburg (JCCI) đánh giá cao chương trình hành động của phía Việt Nam, tạo thêm một kênh giao thương trực tiếp giữa các nhà sản xuất Việt Nam với các kênh phân phối nước ngoài. Theo ông, ngành bán lẻ của Nam Phi đang phát triển mạnh, là điểm sáng của nền kinh tế Nam Phi.

 

Ông Herman cho biết, trong thời gian qua, JCCI đã hợp tác chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi tổ chức nhiều sự kiện XTTM, giới thiệu hàng hóa, kết nối DN giữa hai nước; được biết đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng và tin rằng, hàng Việt Nam sẽ có cơ hội tốt tại thị trường Nam Phi.

 

Nam Phi là quốc gia phát triển hàng đầu về kinh tế, xã hội và chính trị ở châu Phi và hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt trên 1 tỷ USD năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 724 triệu USD, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu khá đa dạng gồm điện thoại di động và linh kiện, máy móc, hạt tiêu, cà phê, dệt may, giày dép các loại, sắt thép, hạt điều, sản phẩm gỗ, hóa chất, rau quả, gạo… Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Nam Phi 386 triệu USD trong năm 2018, gồm có chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, rau quả, nguyên phụ liệu dệt may và da giày, sản phẩm hóa chất, sắt thép các loại, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, than cám, quặng và khoáng sản, hóa chất, bông, cao su.

 

Được biết, các hoạt động hỗ trợ DN Việt Nam đưa hàng vào hệ thống phân phối tại Nam Phi dự kiến sẽ được duy trì trong 3 năm (từ năm 2019 - 2021).

 

Theo congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang