Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, bắt đầu từ ngày 12/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trong 2 ngày. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ 3 của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, trước đó là vào các năm 2015, 2017 và Việt Nam là quốc gia thứ 2 ông Tập Cận Bình công du trong năm nay mà không kết hợp các hoạt động đa phương.
Dự kiến trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ thảo luận về việc nâng cấp định vị mới cho quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai nước ngày càng phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả với những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Trong lĩnh vực đầu tư, chỉ tính riêng 10 tháng qua, đầu tư của Trung Quốc đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam. Trung Quốc cũng nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam. Từ tháng 02/2020, do dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn.
Năm 2023, đà du lịch phục hồi, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 2 trong số các thị trường đưa khách đến Việt Nam. Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, sau 15 năm, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 8 lần, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam tăng gần 10 bậc, trong khi tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn.
Ông Nông Đức Lai khẳng định, hợp tác kinh tế thương mại có mức bổ trợ lẫn nhau rất cao và còn tiềm năng rất lớn. Hai bên đang đẩy nhanh mở cửa thị trường cho nhiều loại nông lâm thủy sản, hoa quả Việt Nam, ngược lại ta cũng nhanh chóng xem xét mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản thực phẩm của Trung Quốc; thúc đẩy ký kết Nghị định thư đối với các loại nông sản có hoạt động thương mại truyền thống và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách để thúc đẩy thương mại hai bên.
Cùng với điểm sáng trong quan hệ 2 nước về hợp tác kinh tế - thương mại, về quan hệ chính trị, hợp tác, giao lưu kênh Đảng, giữa hai Chính phủ, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận tổ quốc/Chính hiệp cũng như giữa các Bộ, ngành quan trọng như Ngoại giao, Quốc phòng, Công an…, các địa phương biên giới và giao lưu nhân dân hai nước đạt nhiều kết quả thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước. Về tổng thể quan hệ 2 nước duy trì đà phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022; lãnh đạo cấp cao hai bên thường xuyên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt, các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao được tích cực triển khai, đồng thời giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Trong các cuộc trao đổi, Trung Quốc thể hiện rõ hơn sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bày tỏ mong muốn cùng với Việt Nam thực hiện tốt nhận thức chung quan trọng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhất là Tuyên bố chung trong chuyến thăm tháng 10/2022, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước phát triển ổn định, lành mạnh trong giai đoạn mới.
Trong chuyến công tác tại Lạng Sơn mới đây, nơi có cửa khẩu mà Việt Nam đặt tên là Hữu nghị và Trung Quốc cũng thống nhất đặt tên là Hữu nghị quan, trong cuộc nói chuyện thân mật với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tên gọi “Hữu nghị” thể hiện tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc “Vừa là đồng chí, vừa là anh em”, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu việc xây dựng, phát triển quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc: "Hai nước Việt Nam – Trung Quốc chúng ta có quan hệ đồng chí vừa là anh em từ lâu rồi cùng với việc nhân dân 2 nước qua lại giao thương buôn bán kinh doanh buôn bán tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mà 2 nước cùng đặt tên Hữu Nghị rất có ý nghĩa; mối tình thắm thiết Việt - Hoa vừa là đồng chí vừa là anh em".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn tháng 8/2023
Về phần mình, Đại sứ Hùng Ba cũng khẳng định, quan hệ giữa 2 nước Trung Quốc – Việt Nam là duy nhất, mãi mãi xanh tươi. Đây cũng là khẳng định của 2 nhà lãnh đạo - Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại để nhân dân 2 nước cùng gìn giữ và vun đắp cho muôn đời sau.
Còn trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đầu tháng này, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng tái khẳng định, phát triển quan hệ với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Trên nền tảng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển rất tích cực, thuận lợi, thời gian, qua hợp tác giữa các địa phương, nhất là vùng biên giới luôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể quan hệ 2 nước với nhiều hoạt động hợp tác, chương trình giao lưu giữa các địa phương Việt Nam với Quảng Tây được tổ chức thường xuyên hoặc định kỳ như Chương trình Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư 4 tỉnh biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã trở thành chương trình được tổ chức thường xuyên giữa hai nước. Tháng 11 vừa qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 4 tỉnh và Đoàn Thanh niên Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây đã ký bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị theo hình thức trực tuyến, góp phần đẩy mạnh giao lưu hợp tác giữa thanh niên hai nước trên các lĩnh vực.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hợp tác địa phương giữa 2 nước đang ngày càng phát huy hiệu quả thực chất, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Trong đó, quan hệ kinh tế-thương mại giữa các địa phương đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.
Ông Hồ Tiến Thiệu cho biết thêm, hiện nay tỉnh Lạng Sơn đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai Đề án cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh. Lạng Sơn và Quảng Tây đang phối hợp rất chặt chẽ để triển khai những nội dung này. Khi triển khai được mô hình cửa khẩu thông minh sẽ góp phần tăng năng lực thông quan hàng hóa giữa Việt Nam- Trung Quốc. Đây là bước tiến mới mở ra cơ hội để thúc đẩy kinh tế cửa khẩu, tăng được kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam và các nước ASEAN.
Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nước ta lần này có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực cho sự phát triển lên tầm cao mới của quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước với những hợp tác hết sức thiết thực, hiệu quả và ngày càng thực chất hơn, làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Theo VOV