Thái Lan hiện nằm trong số 10 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nước đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2020.
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh hơn nữa việc tìm hiểu thông tin cũng như trao đổi để giúp các nhà kinh doanh Thái Lan trở thành những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam - đây là khẳng định của ông Sanan Angubolkul - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Thái - Việt trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV trong chuyến công tác Thái Lan vừa qua.
PV: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của quan hệ thương mại giữa Thái Lan và Việt Nam?
Ông Sanan Angubolkul: Theo tôi, quan hệ thương mại Thái Lan - Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong tổng thể chung quan hệ giữa hai nước. Cả Thái Lan và Việt Nam đều có thị trường tiêu thụ khá lớn khi Việt Nam có dân số tới 94 triệu người và Thái Lan có dân số gần 70 triệu người.
Bên cạnh đó, Thái Lan và Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng khi cả 2 nước đều phát triển kinh tế dựa trên nền tảng nông nghiệp. Việt Nam và Thái Lan cũng có quan hệ khá khăng khít bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam - đã từng sống ở Nakhon Phanom trong thời gian 2 năm, do vậy giữa chính phủ và nhân dân 2 nước có sự tin cậy lẫn nhau cao.
Việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và thương mại sẽ góp phần tạo ra sự ổn định và phát triển giữa hai nước. Cho đến nay, Thái Lan và Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại quan trọng của nhau.
PV: Thưa ông, với quan hệ đang phát triển tốt đẹp như vậy thì Hội đồng Kinh doanh Thái - Việt có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước?
Ông Sanan Angubolkul: Hội đồng Kinh doanh Thái - Việt có vai trò rất quan trọng bởi chúng tôi đại diện cho các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực thương mại. Các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ của chúng tôi cùng làm việc, cùng thu thập thông tin, điều này rất quan trọng. Dựa trên các ý kiến và đề xuất của các doanh nghiệp mà chúng tôi thu thập được, chính phủ Thái Lan sẽ có những đề xuất hợp tác gửi tới phía Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xem xét việc thành lập Ủy ban hợp tác giữa chính phủ và tư nhân trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần.
Ở Việt Nam chúng tôi chưa có cán bộ xúc tiến đầu tư (BOI) vì hiện mới đang ở giai đoạn xem xét ngân sách để mở Văn phòng và gửi cán bộ xúc tiến đầu tư Thái Lan sang thường trú tại Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là chính phủ Thái Lan và các doanh nghiệp tư nhân chúng tôi rất coi trọng việc khuyến khích nhiều người Thái hơn nữa sang đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.
PV: Cuối năm 2015, Cộng đồng chung ASEAN chính thức được thành lập, theo ông triển vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan trong tương lai sẽ như thế nào khi cả 2 nước được đánh giá là có vai trò quan trọng trong Cộng đồng?
Ông Sanan Angubolkul: Việc thành lập Cộng đồng chung ASEAN, trong đó 1 trụ cột chính là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có vai trò rất quan trọng. Việc gia nhập AEC rất quan trọng đối với cả Thái Lan và Việt Nam bởi có rất nhiều mặt hàng Thái Lan muốn đầu tư tại Việt Nam, không chỉ là muốn bán tại thị trường Việt Nam mà còn muốn mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác, đặc biệt các mặt hàng như dép, sản phẩm phụ trợ, đồ điện, hóa chất…
Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ là một địa bàn tốt giúp phân phối các sản phẩm của các nhà sản xuất tại Thái Lan và Việt Nam. Ví dụ như một số mặt hàng trên chúng tôi sẽ không còn sản xuất ở Thái Lan nữa mà sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu sang Campuchia và Philippines, thuận tiện hơn rất nhiều.
Đối với Việt Nam, điều này cũng rất có lợi bởi Việt Nam sẽ có được thị trường chung của AEC với hơn 600 triệu dân thay cho thị trường hơn 90 triệu dân hiện nay. Đặc biệt Thái Lan và Việt Nam là hai nước có quan hệ gần gũi, các mặt hàng của hai nước cũng gần giống nhau do đó Thái Lan có thể mang công nghệ, các sản phẩm cá da trơn được khách hàng ưa chuộng sang chuyển giao và truyền lại kinh nghiệm cho Việt Nam. Đây cũng là một cách giúp cho hàng hóa của Việt Nam có thể mở rộng thị trường trong AEC.
PV: Theo ông, những mặt hàng nào Việt Nam và Thái Lan có thể xuất khẩu sang nhau để khai thác tối đa thế mạnh của mỗi nước nhằm đạt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2020?
Ông Sanan Angubolkul: Hiện Thái Lan nhập khá nhiều mặt hàng từ Việt Nam, trong đó chúng ta có thể thấy nổi bật là mặt hàng cà phê. Ngoài ra còn có một số sản phẩm từ dầu, cá da trơn, các sản phẩm tiêu dùng, đồ handy craft... rất nhiều sản phẩm.
Hiện chúng tôi đang xúc tiến việc đẩy mạnh đưa hàng hóa của Việt Nam vào bán tại Thái Lan. Hội đồng kinh doanh chúng tôi đang phối hợp với Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao tổ chức Hội chợ kêu gọi các nhà cung cấp Việt Nam sang Thái Lan kinh doanh. Dự kiến sự kiện này sẽ được tổ chức sau khoảng 2 tháng nữa.
Ngoài ra các sản phẩm của Thái Lan cũng được bán tại thị trường Việt Nam như ô tô, đồ điện, hàng tiêu dùng và trong tương lai tôi nghĩ rằng các sản phẩm về mặt hậu cần (logistic) sẽ trở nên khá quan trọng. Bên cạnh đó Thái Lan còn xuất khẩu sang Việt Nam hoa quả và các mặt hàng khác nữa.
Tôi nghĩ rằng nếu hai nước chúng ta thúc đẩy hợp tác được trong các lĩnh vực này sẽ tạo nên sức mạnh lớn và có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Về mặt địa lý Thái Lan và Việt Nam cũng khá gần nhau, văn hóa cũng có nhiều nét tương đồng, hoạt động thương mại cũng vậy. Do đó không có lý do gì chúng ta để không đẩy mạnh hoạt động thương mại phát triển hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!./.
Theo Nhóm phóng viên VOV.vn