Mùa hè oi bức thường tăng thêm tình trạng nóng trong người, khiến người bệnh thường cảm thấy khó chịu, bức bối, trong cơ thể như "bốc hỏa". Những ngày gần đây, khi thời tiết trở nên nóng gay gắt thì càng khiến người bị nhiệt trong cơ thể dễ mắc các chứng như mẩn ngứa, mề đay, nhiệt miệng, nổi mụn nhọt khắp cơ thể, gây nhiều nỗi bất tiện trong cuộc sống.
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên nhân của tình trạng nóng trong người một phần là do chế độ ăn uống, dùng quá nhiều đồ ăn cay nóng, ngủ nghỉ không điều độ hoặc do bị mắc các căn bệnh khác. Có rất nhiều phương pháp để thanh nhiệt cho cơ thể vào mùa hè, trong đó sử dụng các vị thuốc dễ kiếm, dễ chế biến và sử dụng qua đường ăn uống là đơn giản nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng cũng phải điều độ và thường xuyên thì các vị thuốc này mới có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cho cơ thể.
Lương y cho hay: "Có rất nhiều phương thuốc dễ dàng kiếm được ở ngoài chợ, thậm chí là món ăn đơn giản hàng ngày cũng có thể dùng để giải nhiệt tốt. Ví dụ như lô hội, mướp đắng, rau má, rau bồ công anh, thậm chí là rau muống. Vào mùa hè thì có thể tìm thêm hoa nhài, ngó sen để dùng cũng có tác dụng thanh nhiệt rất tốt".
Nói về cách sử dụng các bài thuốc, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho hay, lô hội có tính năng giải nhiệt và làm đẹp cho các chị em nên rất được hay dùng nhưng không phải ai cũng uống được. Lô hội ngoài giải nhiệt còn có tác dụng nhận tràng, tiêu viêm, có tình hàn nên những người dạ dày yếu và các mẹ bầu không nên dùng. Người bình thường muốn giải nhiệt thì có thể dùng thịt trắng lọc từ lá lô hội nấu lên cùng đường phèn rồi ngậm nuốt từ từ, mỗi ngày dùng 5g - 10g là đủ.
Đối với mướp đắng thì các chị em có thể sử dụng trong các món ăn hàng ngày. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho hay: "Mướp đắng lành như rau má, nếu muốn giải nhiệt tốt nhất là dùng trái còn xanh bởi tính giải nhiệt, tiêu đờm, trừ nhiệt độc tốt hơn là trái chín. Mỗi ngày ăn 1 quả, nhưng lưu ý, người bị bệnh về gan, mang thai không nên ăn mướp đắng. Còn rau má thì có thể dùng cách mà nhiều người vẫn làm từ trước đến nay, có thể ăn sống hay ép lấy nước uống, dùng 30 - 40g mỗi ngày. Nếu bị nhiệt khiến mẩn ngứa khắp người thì lấy rau má trộn dấm rồi ăn hoặc giã nát, lấy nước cho thêm đường rồi uống cũng sẽ đẩy lui bệnh".
Nói thêm về những bài thuốc đơn giản, dễ kiếm trong cuộc sống, lương y Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho hay, mọi người có thể tìm những vị thuốc như nhân trần, cam thảo ở các tiệm thuốc đông y, đây đều là những vị thuốc đơn giản dễ tìm, việc chế biến cũng rất đơn giản.
Lương y chia sẻ: "Nhân trần vị hơi đắng, thơm, có tính ấm, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, chống ngứa. Cam thảo vị ngọt, tính bình, dùng cam thảo thái lát mỏng có tác dụng giải độc, lấy 4 - 20g nấu lấy nước, hãm thuốc sẽ trị được ho, mất tiếng, viêm họng. Nhưng những người bị đầy bụng, nôn mở, huyết áp thấp, đái tháo đường thì không được dùng vị thuốc này để giải nhiệt".
Ngoài ra, lương y cũng gợi ý dùng rau bồ công anh để thanh nhiệt: "Bồ công anh vị nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Cách dùng đơn giản nhất là lấy lá và ngọn non nấu canh hoặc xào ăn, mỗi ngày dùng 10 - 20g".
Mùa hè thường xuất hiện hoa nhài tươi và sen, các chị em cũng có thể tìm mua hoa nhài và ngó sen để thanh nhiệt cơ thể. Lương y Đức Nghĩa cho hay: "Nhài có lá và hoa có tính mát, cay ngọt, tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp. Mọi người có thể làm nước đường hoa nhài để uống nhưng cần lưu ý những người có thai, suy nhược cơ thể thì không được dùng".
Nước hoa nhài giải nhiệt rất tốt
Lương y cũng chia sẻ về phương thuốc giải nhiệt từ ngó sen như sau: "Còn ngó sen thì có tác dụng thanh nhiệt tốt, nhưng nếu nấu chín thì công dụng thanh nhiệt sẽ giảm bớt. Nếu nấu cháo ngó sen tươi cùng gạo tẻ, liều lượng cân bằng nhau, thêm đường ăn khi nóng sẽ giúp giải nhiệt và những triệu chứng do nhiệt sinh ra".
Nguồn Emdep