Phát hiện nhiều sai phạm
Thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều địa phương liên tục ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, TPCN, thuốc y học cổ truyền, qua đó, phát hiện nhiều vi phạm.
Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 của thành phố cho biết, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mỹ phẩm núp bóng đông y gia truyền không đăng ký chất lượng. Đơn cử, kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (Thanh Trì, Hà Nội), phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm đông y dưỡng da, trị mụn, kem chống nắng, sữa rửa mặt... không được Bộ Y tế cấp phép, cơ sở cũng không đủ điều kiện sản xuất hàng hóa.
Tương tự, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, tháng 7/2018, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP. Hồ Chí Minh), Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan phía Nam, tổ chức kiểm tra tại 2 địa điểm trên đường Trần Đình Xu (quận 1) và 1 địa điểm ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm thùng mỹ phẩm, TPCN có xuất xứ từ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ, nhãn mác. Các sản phẩm này đều có tem nhái sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Đáng chú ý, “xu thế hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã dần tiếp cận với thương mại điện tử thông qua thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, nhưng cũng có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mại các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, TPCN... giả” - ông Nguyễn Văn Bách - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh - đánh giá.
Siết chặt cấp phép sản xuất, quảng cáo
Trước tình trạng đó, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành Kế hoạch số 1136/ KH-BYT về tiếp tục triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược, mỹ phẩm, TPCN...
Theo đó, từ tháng 11/2018 - 1/2019, Bộ Y tế sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đánh giá thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với mặt hàng dược, mỹ phẩm, TPCN. Cùng với đó, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng nói trên trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi 2019.
Việc kiểm tra này nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm, TPCN; kiến nghị với các cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục những sơ hở, bất cập và nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm…
Theo quyết định của Bộ Y tế, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ thanh tra, kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Quảng Trị, Kon Tum, Đăk Lăk, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa -Vũng Tàu.
Từ đầu năm đến hết ngày 15/9, Bộ Y tế đã ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 27 đơn vị, tổng số tiền xử phạt gần 1 tỷ đồng. Trong đó, 21 cơ sở hoạt động về lĩnh vực dược, mỹ phẩm bị phạt hơn 770 triệu đồng; 6 cơ sở hoạt động về lĩnh vực an toàn thực phẩm bị phạt hơn 210 triệu đồng. |
Nguồn Báo Công Thương