Theo BCĐ 389 TW: ngày 2/6/2020, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành khám đồ vật đối với lô hàng hóa có vận đơn số 738.4744-6512, được vận chuyển từ Sân bay Tân Sơn Nhất ra Sân bay Quốc tế Nội Bài, sau đó, hàng hóa được vận chuyển đến kho hàng hóa nội địa (NCTS) thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài.
Lực lượng Quản lý thị trường đã làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài và đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đề nghị tạo điều kiện cho lực lượng khám hàng hóa theo quy định, vì người nhận lô hàng trên chưa đến nhận mặc dù đã thông báo.
Kết quả kiểm tra lô hàng cho thấy các sản phẩm gồm: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi (con thú), sữa các loại có tổng số 1.877 sản phẩm các loại được chứa đựng trong 43 kiện và 10 thùng chứa hàng, toàn bộ số hàng hóa là do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo, được nhập lậu tại kho hàng hóa nội địa (NCTS) Nội Bài.
Tại cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, trong hai ngày (ngày 15-16/6) Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra phương tiện vận tải, đồ vật tại kho hàng quốc nội Vietnam Airlines (sân bay Tân Sơn Nhất), các kiện hàng thuộc vận đơn 73845261742 trên chuyến bay VN1820, đã phát hiện 168 kiện hàng hóa (hơn 4 tấn hàng) gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, mà chủ lô hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, đây là lượng hàng hóa lớn được vận chuyển theo đường hàng không.
Do đó, lực lượng QLTT đã ban hành quyết định tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài và đại diện Vietnam Airlines thông báo cho chủ lô hàng trên đến cơ quan chức năng làm việc theo quy định của pháp luật.
Theo nhận định của BCĐ 389 TW, qua các vụ việc đã cho thấy, các đối tượng buôn lậu đang lợi dụng đường hàng không để vận chuyển số lượng lớn hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đưa hàng hóa vào sâu nội địa, cất giữ cả trong các kho chứa chuyên nghiệp. BCĐ 389 TW đã chỉ đạo các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, điều tra, kiểm soát các các đường dây, ổ nhóm chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang hoạt động mạnh trở lại, lợi dụng hình thức vận chuyển bằng đường hàng không.
Mặt khác, để ngăn chặn hiệu quả tình hình buôn lậu qua đường hàng không, các lực lượng chức năng phải nâng cao khả năng nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật soi chiếu, giám sát hiện đại; Phải tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia về vấn nạn buôn lậu hàng cấm; Thông báo kịp thời về các phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa để phối hợp, ngăn chặn, xử lý kịp thời, ngoài ra, các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đào tạo nghiệp vụ điều tra cho đội ngũ cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Công Du