Việt Nam có địa hình cong, thon dài chạy từ Bắc xuống Nam. Ngoài hai đồng bằng lớn là châu thổ sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, phần duyên hải chỉ là dải đất hẹp chạy men ven biển, rất khó phát triển nông nghiệp.
Nhưng nhờ vậy mà Việt Nam sở hữu rất nhiều vùng biển tuyệt đẹp, có giá trị lớn về kinh tế, địa chính trị cũng như môi trường. Từ Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang, Đà Nẵng, Sa Huỳnh, Lăng Cô, Vũng Áng… đến di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hiện tại và tương lai, nguồn lợi từ khai thác hải sản sẽ ngày càng giảm sút, việc phát triển cảng nước sâu, khu du lịch, làm hạ tầng cho khai thác, chế biến, xử lý dầu mỏ, khí đốt… mới là hướng đi bền vững.
Hiện tại, tốc độ phát triển kinh tế của dải đất miền Trung không chậm, nhưng cần có cú hích mạnh mẽ khơi thông dòng chảy, thúc đẩy động lực phát triển, chắc chắn sẽ đưa nền kinh tế duyên hải lên một tầm cao mới. Cú hích ấy không gì bằng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bỏ qua những ý kiến phản biện, vì những lợi ích vô hình đến hữu hình mà Bộ Giao thông Vận tải tích cực nghiên cứu, tham khảo, lập báo cáo tiền khả thi cho Dự án đườn sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ai từng sống ở nước ngoài, từng sử dụng Shinkansen của Nhật Bản hay đi du lịch Trung Quốc, thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông này mới thấy rõ sự ưu việt của đường sắt tốc độ cao - cực kỳ nhanh chóng, tiện lợi, an toàn và tiết kiệm thời gian hơn cả đường hàng không rất nhiều. Thời hiện đại, thời gian là tiền bạc, thông tin là giá trị cốt lõi; nếu cứ bàn lùi với lo này, ngại kia thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới có đường sắt cao tốc để phát triển kinh tế.
Theo như đề xuất, nếu tuyến đường sắt tốc độ cao hoàn chỉnh với chiều dài 1.541 km, tốc độ 350 km/giờ, khổ tiêu chuẩn 1.435 mm với 23 ga hành khách rải đều trung bình 70 km một ga, kèm 5 ga hàng hóa, thì thực sự hàng hóa Bắc - Nam lưu thông cực kỳ thuận lợi, dễ dàng.
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm – Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ mất gần 5 tiếng đồng hồ. Chôm chôm, sầu riêng, xoài cát… hái từ miền Nam còn ứa nhựa tươi đã có mặt tại bàn ăn người dân Hà Nội. Vải thiều Hưng Yên vào miền Nam khi lá vẫn nguyên xanh. Hải sản Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa ra đến thủ đô vẫn còn quẫy đạp…
Dự án làm trong 10 năm với tổng vốn là 67,34 tỷ USD, với việc làm từng giai đoạn nối Hà Nội - Vinh (Nghệ An) và Nha Trang - TP HCM khởi công năm 2027. Giai đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2029, thông tàu toàn tuyến năm 2035.
Đây là số vốn lớn và thật khó để thu hồi vốn từ tiền bán vé, nhưng lợi ích kinh tế mà tuyến cao tốc mang lại sẽ xứng đáng với mức đầu tư.
Đường sắt tốc độ cao thành hình thì các thành phố nghỉ dưỡng ven biển sẽ được xây dựng hàng loạt, đón khách nội địa và quốc tế, hàng trăm nghìn việc làm mới được tạo ra, giá bất động sản toàn khu vực này sẽ lên mức mới. Đầu tư mặt bằng, thiết kế nội thất, vận hành dịch vụ du lịch… sẽ hút dòng tiền lớn đổ vào, tạo cú hích cho nền kinh tế cả dải duyên hải miền Trung.
Hàng hóa từ cảng nước sâu nhanh chóng có mặt tại điểm tập kết, phân phối đến tay khách hàng; người làm việc tại các đô thị lớn không cần phải thuê nhà mà hoàn toàn có thể sáng đi, tối về, giãn dân cho giảm tải, giảm tắc đường cho thủ đô và đại đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, giảm tải cho giao thông đường bộ, giảm tai nạn giao thông.
Lợi ích mà đường sắt tốc độ cao mang lại chỉ riêng phần tăng giá trị của bất động sản cũng đủ dư thừa, mà người dân thì đủ đường tiện lợi.
Có lẽ trong quan niệm của người Việt, đường sắt là những con tàu cũ kỹ, nặng nề, phun khói, thở hồng hộc, chạy vật vã trên đường nên không biết về mặt thời gian tàu cao tốc nhanh hơn máy bay, nếu như chặng đường không phải vượt qua đại dương và dưới 2 ngàn km.
Từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh là tuyến bay tiện dụng nhất thì tổng thời gian vẫn hơn 5 giờ đồng hồ. Ô tô di chuyển từ nội thành ra Nội Bài mất 1 giờ, làm thủ tục check-in, gửi hành lý tối thiểu 1 giờ, bay mất 1 giờ 35 phút, lấy hàng lý, check-out… di chuyển từ Tân Sơn Nhất vào nội đô. Tổng thời gian là mất hơn 5 giờ. Chưa kể nỗi lo bị chậm, hoãn, hủy chuyến bay, tắc đường, đường băng quá tải không thể hạ cánh.
Đi tàu cao tốc cứ đỉnh đương đúng giờ là ra ga, tót lên ghế thiu thiu ngủ hay ăn vặt, lướt facebook một lát là xách túi ra ga. Các tuyến tàu điện vệ tinh sẽ đưa khách từ ga đến điểm giao cắt trung chuyển rất nhanh chóng, thuận lợi.
Bài học từ việc xây dựng nhà máy thủy điện Sông Đà, đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam vẫn còn nguyên giá trị. Nếu không nghĩ lớn, làm lớn, tạo tiền đề về hạ tầng trong khi giao thông là mạch máu của nền kinh tế thì Việt Nam khó mà tiến nhanh, bắt kịp các nước phát triển.
Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nếu huy động đồng thời ngân sách từ Trung ương, trái phiếu Chính phủ, vốn góp từ địa phương, bổ đều theo giai đoạn, thì dự án hoàn toàn khả thi như mong ước của nhân dân.
Theo Diendandoanhnghiep.vn