Thứ Sáu, 22/11/2024 12:55:25 GMT+7
Lượt xem: 3885

Tin đăng lúc 03-04-2018

Duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm

Chiều 2/4, thông báo tới các cơ quan báo chí những nội dung quan trọng được Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thảo luận trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ duy trì đà tăng trưởng ngành công nghiệp cùng với yêu cầu các cấp, ngành quyết liệt thực hiện các giải pháp phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 6,7% năm 2018.
Duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm
Ông Mai Tiến Dũng: Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, ngành phải coi mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 6,7% là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Công nghiệp, xây dựng là động lực tăng trưởng trong quý I

 

Theo Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, điểm lại một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt trong những tháng đầu năm, Thủ tướng nhấn mạnh, GDP quý I đạt mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 7,38%. Trong đó, Thủ tướng chỉ rõ bốn động lực chính của tăng trưởng quý I là: ngành công nghiệp và xây dựng, tăng  9,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,48%, năm 2016 tăng 7,16%); ngành chế biến chế tạo, với  chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9% (Quý I năm 2015 tăng 9,5%; năm 2016 tăng 9,1% và năm 2017 tăng 7,8%); ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05% (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,08%, năm 2016 -1,31%); ngành dịch vụ tăng 6,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, năm 2016 tăng 5,98%).

 

Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát tốt với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước, đưa CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

 

Dẫn số liệu vừa được Nikkei đánh giá về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước trong khu vực Đông Nam Á có điểm số cao nhất, trên 50 điểm, tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, đây là kết quả đáng ghi nhận bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế khác đạt khá, như: xuất khẩu ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%). Xuất siêu 1,3 tỷ USD, đặc biệt, nhập siêu từ Trung Quốc giảm 5,3 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2017.

 

Về môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng biểu dương các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số này nên đã tạo ra một không khí đầu tư làm ăn ở các địa phương.

 

Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong phiên họp, Thủ tướng đã nhắc lại trong tháng 3 vừa qua, chúng ta đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tổ chức nhiều sự kiện lớn, như: Hội nghị cấp quốc gia về phòng chống thiên tai; Hội nghị GMS 6 và CLV 10… hết sức thành công với nhiều sáng kiến của Việt Nam đưa ra, nhất là việc tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS.

 

“Tất cả các nước đều ủng hộ những vấn đề Việt Nam đưa ra để thúc đẩy hợp tác trong khu vực” – Ông Mai Tiến Dũng dẫn lời Thủ tướng trong phiên họp.

 

Mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 6,7% là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

 

Tuy nhiên, theo ông Mai Tiến Dũng, ở chiều ngược lại, tại phiên họp, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều mặt tồn tại, yếu kém để các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực mình quản lý. Cụ thể là, tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng (có gần 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký), nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm trước có gần 26.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước đó; số vốn đăng ký tăng 45,8%). Có trên 12.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,9%, số doanh nghiệp giải thể trên 3.300 (trên 91% là doanh nghiệp nhỏ), tăng 1,6% so với cùng kỳ.

 

“Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó xem cần cải cách gì về cơ chế chính sách như thuế, phí, tín dụng, đất đai, môi trường kinh doanh để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp…” – là yêu cầu quan trọng được Thủ tướng đưa ra trong phiên họp.

 

Bên cạnh đó, lưu ý về chỉ số CPI, Thủ tướng chỉ rõ, dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng. Bên cạnh đó, do giá dầu thô, giá hàng hóa cơ bản của thế giới có xu hướng tăng, một số hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường… nên các Bộ, ngành cần tập trung phân tích, đề xuất giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không thể chủ quan vấn đề lạm phát.

 

Riêng với lĩnh vực thuộc ngành Công Thương quản lý, Thủ tướng cho rằng, công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng cuối năm khó có thể duy trì tốc độ tăng cao so với cùng kỳ, do đó, Bộ Công Thương cần đưa ra những biện pháp thúc đẩy lĩnh vực này từ nay đến cuối năm để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng chung trong năm nay.

 

Đặc biệt, chính sách bảo hộ thương mại của các nước có chiều hướng gia tăng, nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu có thể xảy ra, điều này sẽ tác động lớn đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan ứng phó, xử lý kịp thời hơn.

 

“Một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ đối với tất cả các cấp, các ngành là phải xây dựng kế hoạch tăng trưởng phục vụ mục tiêu tăng trưởng đề ra (là đạt ít nhất 6,7%)” – Ông Mai Tiến Dũng dẫn lời Thủ tướng và cho biết, Người đứng đầu Chính phủ đã kết luận: “Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị đối với các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố”.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang