Đề xuất của các nước EU được đưa ra vào một thời điểm khá đặc biệt, bởi các nhà sản xuất của châu Âu đang lo sợ EC sẽ sớm công nhận Trung Quốc có một “nền kinh tế thị trường” đầy đủ. Quyết định đó đồng nghĩa là EU sẽ mất đi ít nhiều quyền áp đặt thuế chống phá giá với hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.
Chạy đua với thời gian
Trong vòng 6 năm trở lại đây, ngành công nghiệp thép của châu Âu đuối dần, khi 1/5 lực lượng lao động đã rời bỏ khu vực này, còn nhu cầu thị trường so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 thì thấp hơn tới 25%.
Trên phạm vi toàn cầu, triển vọng dư cung dài hạn đã hiển hiện bởi năng lực sản xuất dư thừa ước tính khoảng 645 triệu tấn, trong đó có tới 300 triệu tấn là từ Trung Quốc. Những con số trên lẽ ra còn phải cộng thêm 80 triệu tấn nữa, nếu Trung Quốc không đóng cửa nhiều nhà máy hoạt động kém hiệu quả. Năm 2014, Trung Quốc đóng góp tới 50% trong tổng số 1,67 tỷ tấn thép xuất xưởng trên toàn thế giới và đang trên đà đạt mức xuất khẩu kỷ lục hơn 100 triệu tấn trong năm nay.
Đa phần các doanh nghiệp ngành thép châu Âu đều đổ lỗi cho đối thủ Trung Quốc lợi dụng công suất nhàn rỗi tại nhà máy thép để “dìm” giá sản phẩm trên thị trường châu Âu, thậm chí giá bán còn thấp hơn cả giá thành sản xuất.
Nhóm họp tại Brussels hôm 9/11 vừa qua, quan chức các nước thành viên EU đã lên tiếng yêu cầu EC phải “áp dụng đầy đủ và kịp thời tất cả những công cụ chính sách thương mại của EU nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng toàn cầu”. Việc quy định chính sách thương mại hiện nằm trong thẩm quyền của EC, bao gồm các quy định về thuế quan và điều khoản trong giao dịch thương mại.
Tình cảnh đáng buồn của ngành công nghiệp thép châu Âu, điển hình là việc hàng loạt nhà sản xuất Anh phải đóng cửa, đã thổi bùng lên những tranh luận chính trị về khả năng Brussels có nên công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường từ năm 2016 hay không.
Sự thể bắt nguồn từ điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc năm 2001. Theo cách diễn giải của nước này, sau 15 năm, Trung Quốc mặc nhiên được thừa nhận là một nền kinh tế thị trường.
Áp lực bỗng dồn lên không chỉ EU mà còn cả Mỹ, xem có nên đồng tình với kiểu suy luận đó hay không. Đây là một quyết định rất quan trọng và phải tính đến những hệ lụy về sau, bởi không dễ để đánh thuế trả đũa đối với một nền kinh tế thị trường, mà về nguyên tắc là được xây dựng trên quy luật cung cầu và giá cả hàng hóa dịch vụ được xác định một cách công bằng.
Phản ứng mạnh nhất ở châu Âu, không ai khác ngoài các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp truyền thống như thép, may mặc và xe đạp - những ngành mà “không may” cho họ, Trung Quốc lại có thế mạnh.
Lao động ngành thép vẫn bất an
Lời “kêu cứu” của các nước EU hôm 9/11 vừa qua yêu cầu EC sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có thể đẩy cơ quan này vào thế đối đầu với chính các nước thành viên, nếu sắp tới thừa nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc. Hiện tại nước Anh đã đứng về phía ủng hộ Trung Quốc, trong khi Italy phản đối, còn Pháp và Đức chưa thể hiện rõ quan điểm.
Mặc dù các nước EU đã lên tiếng về sự đe dọa từ hàng giá rẻ Trung Quốc nhưng Community, một trong những tổ chức công đoàn lớn nhất của công nhân ngành thép nước Anh, vẫn muốn nhiều hơn thế. Tổng thư ký của Community, ông Roy Rickhuss, cho rằng giới chức EU “chưa nhận thức được tình hình cấp bách mà ngành công nghiệp thép phải đối mặt” và những công nhân có nguy cơ mất việc làm từ tác động của sự xâm nhập hàng nhập khẩu Trung Quốc “chưa thể cảm thấy an tâm”.
Ông Rickhuss cũng nhấn mạnh nhiều nước EU chưa đánh giá đúng đắn về tác động của việc công nhận Trung Quốc trở thành nền kinh tế thị trường, bởi ngành công nghiệp thép châu Âu khi đó sẽ rơi vào tình trạng “nguy kịch”.
Lâu nay, không ít nhà sản xuất thép châu Âu còn than phiền rằng chính những quy định về môi trường của EU đã khiến tính cạnh tranh doanh nghiệp bị thua sút đối thủ. Một số nước thành viên EU đã đề xuất miễn áp dụng cơ chế hạn ngạch cacbon cho những lĩnh vực tiêu tốn năng lượng đang gặp khó khăn, mà thép là một trong số đó.
Theo Thời báo kinh doanh