Tuy nhiên, cơ hội mà EVFTA mang lại sẽ song hành cùng với những khó khăn thách thức. Do vậy, để tận dụng tối đa các cơ hội mà EVFTA mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của Hiệp định này, các DN cần có chiến lược, kế hoạch và hành trang sẵn sàng cho sự phát triển trong điều kiện thị trường và bối cảnh thương mại mới.
Cơ hội và thách thức song hành
EU là thị trường lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ nếu tính về quy mô kinh tế, nhưng EVFTA lại là thị trường lớn nhất mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do và có những quy định rất phù hợp cho cộng đồng DN Việt Nam.
Hiện EU mới chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu với khoảng 42% dòng thuế của hàng hóa VN, nhưng khi Hiệp định đi vào thực thi kể từ 01/8/2020 thì 85,6% dòng thuế này sẽ được xóa bỏ, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU và trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của VN sang EU sẽ lên tới 97%. Qua đó thấy rằng, EVFTA mang lại cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam, nhất là khối DNNVV.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và lợi ích, thì các DNNVV cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi Hiệp định được thực thi. Bởi, EU là một thị trường khó tính với những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn môi trường, nguồn gốc xuất xứ… của châu Âu rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Do đó, với các DNNVV, áp lực đảm bảo chất lượng để có thể tiếp cận được thị trường này là không nhỏ. Đồng thời, khi rào cản thuế quan bị gỡ bỏ, DN ở thị trường nhập khẩu sẽ có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, do đó, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc biện pháp chống lẩn tránh cũng không hề nhỏ.
Một thách thức lớn nữa mà các DNNVV phải đối mặt đó là cạnh tranh nguồn lao động. Khi nền kinh tế mở cửa theo các cam kết EVFTA, các quá trình dịch chuyển sản xuất bắt đầu hình thành và làn sóng các nhà đầu tư từ EU sẽ tràn vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh về nguồn lao động trong các ngành. Vậy nên, sẽ có các ngành nghề thiếu lao động cục bộ.
Bên cạnh đó, hiện nay DN Việt còn thiếu thông tin về thị trường cũng như những thông tin về các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Các DN Việt Nam chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU, trong khi đó, DNNVV Việt Nam còn thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh…
Ra nhập EVFTA, DNNVV phải nâng cao chất lượng SP, chuyên nghiệp hóa năng lực SX
Hỗ trợ DNNVV tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA
DNNVV chiếm tới 97% trong tổng số DN Việt Nam, sự phát triển của khối DN này có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khối DN này chịu tác động nhiều nhất và cũng thụ hưởng nhiều nhất từ các hiệp định. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực để DN có thể tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA.
Tại Hội nghị “Hỗ trợ DNNVV tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”, Hiệp hội DNNVV đã kiến nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để phù hợp với các quy định của EVFTA. Đồng thời, cần chỉ đạo các bộ ngành hữu quan thông qua các phương tiện truyền thông, tích cực và tăng cường triển khai tuyên truyền về nội dung của Hiệp định, hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA thông qua các khóa tập huấn về EVFTA, để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho các DN, giúp họ thực thi Hiệp định hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để hỗ trợ DNNVV, tới đây Bộ sẽ tập huấn và đào tạo cho nguồn nhân lực của DNNVV kiến thức về thương mại và hội nhập một cách đầy đủ và kịp thời nhất. Đồng thời, tổ chức ngay chương trình hướng dẫn và tập huấn cho các cơ quan quản lý, nhất là các cấp địa phương để triển khai Hiệp định; Phối hợp đối chiếu với Luật DNNVV để có những hỗ trợ cụ thể cho cộng đồng DN Việt Nam, nhất là DNNVV trong việc thực thi EVFTA.
Bộ cũng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để xem xét đánh giá việc thực thi hiệp định và điều kiện cần thiết, cụ thể hóa luật về DNNVV. Đồng thời, xem xét các cơ chế tín dụng có hiệu quả và phù hợp để hỗ trợ cho DNNVV; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn vấn đề truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, để các DNNVV thực thi nhiệm vụ của mình trong phát triển thị trường...
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chủ động cùng các địa phương ban hành giải pháp chính sách hỗ trợ DN phân phối kinh doanh tại thị trường trong nước, để tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống phân phối, cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và DN sản xuất, gắn với thị trường trong nước, phù hợp với cam kết của EVFTA.
Có thể nói, đối với DNVVN, EVFTA sẽ là khởi đầu cho một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển. Đây cũng là cơ hội tốt để các DNVVN tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thị trường xuất khẩu của DN Việt có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm các thị trường nhất định... Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA, một trong những việc các DNNVV cần làm ngay là phải chủ động tích cực hơn nữa trong việc tiếp cận các chương trình từ phổ biến kiến thức pháp luật, phổ biến về các FTA. Đồng thời, cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa; chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định; coi trọng trách nhiệm xã hội; minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.
Minh Vũ