EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Khi nói đến Hiệp định EVFTA, ta nói đến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị trong suốt một thập kỷ từ khi Việt Nam và Liên minh châu Âu đồng ý tiến hành nghiên cứu khả thi việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước vào tháng 10 năm 2010. Điều này là bởi Việt Nam và Liên minh châu Âu là hai nền kinh tế có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế cũng như có sự khác biệt về hệ thống chính trị, văn hoá và lối tư duy. EVFTA lại là một Hiệp định thế hệ mới toàn diện, tiêu chuẩn cao, mức độ hội nhập sâu rộng.
Trong Hiệp định có rất nhiều cam kết trong nhiều lĩnh vực mà ta chưa từng có trong bất kỳ FTA nào trước đây như Chỉ dẫn địa lý (GI), Mua sắm chính phủ (GP), hay Thương mại phát triển bền vững (TSD). Ngoài ra, có rất nhiều nội dung cam kết có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các cách tiếp cận của ta trong các FTA trước đây. Ví dụ như nguyên tắc Đối xử quốc gia trong WTO và trong các FTA khác mà Việt Nam tham gia được áp dụng nếu doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh cùng một mặt hàng.
Tuy nhiên, theo cam kết trong EVFTA, nguyên tắc Đối xử quốc gia được áp dụng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này có nghĩa là cam kết còn xét thêm các yếu tố khác, không chỉ phụ thuộc vào việc kinh doanh những mặt hàng giống nhau. Bên cạnh đó, để mang lại Hiệp định EVFTA, tất cả các cơ quan thuộc chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện đúng chủ trương và định hướng của Bộ Chính trị đã cùng phối hợp với nhau bàn bạc, thảo luận và đi tới thống nhất tất cả những mục tiêu quan trọng, đặt lợi ích tổng thể, lợi ích của đất nước lên hàng đầu.
Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định. Những mốc thời gian chính quan trọng trong công cuộc đàm phán Hiệp định bao gồm:
Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.
Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
- Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.
Ngày 30 tháng 6 năm 2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.
Ngày 21 tháng 1 năm 2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.
Ngày 12 tháng 2 năm 2020: Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA
Ngày 30 tháng 3 năm 2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA
Ngày 08 tháng 6 năm 2020: tại buổi họp đầu tiên giai đoạn 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết phê chuẩn thông qua Hiệp định EVFTA đã được 100% số đại biểu (457/457 đại biểu) biểu quyết thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Như vậy, trải qua 14 vòng đàm phán, nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, các phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán và các phiên họp cấp kỹ thuật chính thức và không chính thức, vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, với sự quyết tâm và nỗ lực, kết tinh của một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ chính là sự kiện Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 8 năm 2020. Đây chính là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại của đất nước
Theo MOIT