Theo đó, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để đáp ứng các tiêu chuẩn cao được đặt ra trong Hiệp định và tăng cường các cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài để chuẩn bị cho việc hoàn tất hiệp định. Đây là thời điểm nhà đầu tư nước ngoài cần khởi động các kế hoạch kinh doanh và nắm bắt những cơ hội cụ thể đang đến gần.
Đó là kỳ vọng của Hiệp hội Doanh nghiệp EuroCham về triển vọng EVFTA có thể mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam - EU, trong thời gian tới.
Thay đổi bức tranh đầu tư
Cụ thể, chia sẻ về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp EU, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, EVFTA sẽ thay đổi bức tranh đầu tư từ EU vào Việt Nam.
Phân tích về một trong những yếu tố, ảnh hưởng đến quyết định của doanh nghiệp EU, ông Nicolas Audier chỉ ra: "Yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư EU từ Việt Nam đó là tầng lớp trung lưu tại Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực".
Cụ thể, tầng lớp trung lưu tăng gần như gấp đôi về quy mô trong giai đoạn từ năm 2014-2020, từ 12 triệu lên 33 triệu người. Theo đó, số lượng người siêu giàu của Việt Nam cũng tăng nhanh hơn bất cứ quốc gia nào khác và chắc chắn con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong 10 năm tới.
Hiện nay, "Việt Nam đang là điểm đến đầu tư và kinh doanh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Âu. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, vì hiệp định này sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu", ông Nicolas Audier cho biết.
Hiện nay, Việt Nam và EU được xem là hai thị trường bổ sung hỗ trợ nhau, trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá mà EU không thể hoặc không tự sản xuất được, ví dụ như thuỷ sản, trái cây nhiệt đới... ở chiều ngược lại hàng hoá nhập khẩu từ EU cũng là những mặt hàng Việt Nam không thể sản xuất trong nước.
Việt Nam và EU được xem là hai thị trường bổ sung hỗ trợ nhau, trong đó Việt Nam xuất khẩu hàng hoá mà EU không thể hoặc không tự sản xuất được, ví dụ như thuỷ sản, trái cây nhiệt đới.
Khi hàng hoá từ EU có khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn, doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp nguyên liệu, công nghệ và thiết bị của EU với chất lượng, giá tốt hơn, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm bớt gánh nặng của Việt Nam do phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác thương mại chính khác.
Ngoài ra, EVFTA được coi là khuôn mẫu để EU ký thêm các FTA khác với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Với mục đích ký kết một hiệp định tự do thương mại liên vùng khi có đủ số lượng tới hạn của các FTA với các nước thành viên ASEAN. Quá trình này có thể mất tới 10-15 năm. Vì vậy, Việt Nam nên tận dụng thời điểm vàng này một cách hiệu quả nhất để trở thành trung tâm đầu tư trong khu vực trước khi các nước khác trong khu vực ký kết các FTA với EU.
Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) là hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một số nước đang phát triển tại châu Á. Đây là hiệp định thứ 2 trong khu vực Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore và sẽ tăng cường các mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU.
Theo ông Nicolas Audier, Việt Nam có điều kiện tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và tổng tài sản quốc nội đạt 15.000 tỷ USD chiếm gần 22% GDP toàn cầu. Đồng thời các nhà xuất khẩu và đầu tư từ EU cũng có thêm cơ hội tiếp cận đến một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất và lớn nhất trong khu vực.
Cơ hội từ cam kết mua sắm Chính phủ
Bên cạnh các cơ hội về hợp tác đầu tư, một cơ hội khác liên quan đến mua sắm Chính phủ cũng được doanh nghiệp EuroCham kỳ vọng rất lớn.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những Quốc gia trên thế giới có tỷ lệ đầu tư công cao nhất trên tổng GDP. Tuy nhiên, Việt Nam đã không thể cam kết tham gia hoạt động mua sắm Chính phủ theo Hiệp định mua sắm Chính phủ (GPA) của WTO. Vì vậy, đây là lần đầu tiên Việt Nam cam kết thực hiện hoạt động mua sắm chính phủ trong EVFTA.
Theo nhận định của TS Oliver Massmann - Luật sư điều hành kiểm Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH Duane Morries Việt Nam: "Các cam kết FTA về mua sắm Chính phủ chủ yếu giải quyết yêu cầu đối xử công bằng giữa các nhà đầu EU hoặc nhà thầu trong nước có vốn đầu tư từ EU và nhà thầu Việt Nam khi một Chính phủ mua sắm hàng hoá hoặc yêu cầu dịch vụ vượt quá ngưỡng quy định".
Theo đó, Việt Nam cam kết tuân thủ các nguyên tắc chung về đối xử Quốc gia và không phân biệt đối xử và sẽ công bố kịp thời thông tin về đấu thầu và thông tin sau đấu thầu trên trang Báo Đấu thầu và thông tin về hệ thống đấu thầu trên trang web muasamcong.mpi.gov.vn và công áo chính thức kịp thời.
Điều này cho phép các nhà đầu tư có đủ thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu dựa trên các quy tắc công bằng và minh bạch, đánh giá và xét thầu dựa trên các tiêu chuẩn được ghi trong thông báo và các văn bản thầu cũng như tạo ra một cơ chế hiệu quả khiếu nại và giải quyết tranh chấp liên quan.
"Các quy tác này đòi hỏi các bên phải đảm bảo các quy trình đấu thầu phù hợp với các cam kết và bảo vệ quyền lợi của chính mình, theo đó hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức liên quan đến việc thắng thầu bởi các nhà cung cấp dịch vụ chào giá thầu thấp hơn nhưng không đủ năng lực", TS Oliver Massmann nhấn mạnh.
Theo enternews.vn