Trước tình hình mưa lũ về sớm, hồ Sơn La và Hòa Bình trên lưu vực sông Hồng đã bắt đầu xả đáy, việc sử dụng hiệu quả nguồn nước và đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Sử dụng nguồn nước hiệu quả, ứng phó kịp thời các sự cố
Năm 2022, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên từ giữa tháng 5/2022, ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ liên tục có mưa vừa, mưa to diện rộng, tạo nên các đợt lũ tiểu mãn trên các lưu vực sông, bổ sung nguồn nước đáng kể cho các nhà máy thủy điện để có thể duy trì phát điện tối đa.
Đặc biệt, trong các ngày từ 20/5-24/5, trên lưu vực hồ Tuyên Quang xuất hiện đợt lũ tiểu mãn với lưu lượng lớn nhất quan trắc được là 3114 m3/s (lúc 15 giờ ngày 24/5), bằng 129% giá trị đỉnh lũ lớn nhất cùng kỳ đã quan trắc được, đây có thể coi là đỉnh lũ lịch sử lớn nhất của tháng 5 tính đến thời điểm hiện tại.
Ông Ngô Sơn Hải- Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Với diễn biến thủy văn bất thường như thời gian vừa qua, EVN đã tận dụng dung tích phòng lũ của các hồ chứa thủy điện để cắt lũ cho vùng hạ du trong thời gian mưa lớn cuối tháng 5. Đồng thời, tận dụng nguồn nước, tránh xả thừa lãng phí, EVN đã huy động tối đa các nhà máy thủy điện, vận hành hồ chứa thông qua phát điện để luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu vực hạ du và đời sống của người dân.
“Trước tình hình mưa lớn kéo dài trên diện rộng từ đầu tháng 6 đến nay, từ 14h ngày 11.6 sẽ mở xả đáy hồ Sơn La và 2 cửa xả đáy của hồ Hòa Bình vào ngày 12.6. Để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du và hồ đập cũng như tối ưu hiệu quả phát điện, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình thủy văn và mực nước hồ, cập nhật dự báo phụ tải để có kế hoạch huy động các nhà máy thủy điện hợp lý”, ông Ngô Sơn Hải cho biết.
Cùng với đó, EVN cũng đã chỉ đạo đưa mức nước các hồ về mực nước trước lũ theo quy trình; Rà soát toàn bộ các công trình, hệ thống thiết bị, kết thúc các công tác sửa chữa bảo dưỡng, khắc phục tất cả các tồn tại, khiếm khuyết để các tổ máy sẵn sàng tối đa trong mùa mưa lũ; Sẵn sàng nhân lực, vật tư, thiết bị để kịp thời xử lý khi có sự cố, bất thường phát sinh. Đặc biệt thực hiện vận hành các hồ chứa tuân thủ theo chỉ đạo điều tiết của ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương và các địa phương.
Trong công tác điều hành hệ thống, EVN đã thực hiện huy động tối đa có thể các nhà máy thủy điện miền Bắc từ đầu tháng 5. “Tập đoàn đã ngừng/giảm huy động các nguồn nhiệt điện sử dụng than đắt tiền và các nguồn nhiệt điện khác theo đúng thứ tự giá và ràng buộc hệ thống. Việc huy động các nguồn thủy điện được thực hiện tuân thủ đúng các quy trình, quy định như quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình đơn hồ. Trước đó, từ ngày 01/06/2022, hồ chứa thủy điện Tuyên Quang đã phải mở 2 cửa xả do lưu lượng nước về quá lớn”, ông Nguyễn Quốc Trung- Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trung, căn cứ theo tình hình phụ tải thực tế để EVN tiếp tục ngừng, giảm huy động các nguồn nhiệt điện nhằm tăng cường khai thác thủy điện. Đồng thời, tận dụng tối đa khả năng truyền tải của các đường dây liên kết để khai thác nguồn thủy điện miền Bắc, truyền tải công suất vào miền Trung và miền Nam.
Đảm bảo an toàn các công trình thủy điện và vùng hạ du
Nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện và vùng hạ du, trước mùa mưa lũ EVN đã hoàn thành các báo cáo đánh giá an toàn hồ đập gửi cho Hội đồng an toàn đập Quốc gia và các địa phương; Triển khai thực hiện các chỉ đạo của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, Bộ, ngành về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó có việc vận hành, điều tiết lũ đảm bảo an cho công trình và hạ du; Kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy, công trình và thiết bị nhất là an toàn đối với công trình điều tiết và các trang thiết bị vận hành xả lũ, đảm bảo vận hành án toàn, tin cậy.
Cũng theo ông Ngô Sơn Hải, EVN đã hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, cập nhật, sửa đổi, bổ sung phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm. Rà soát quy chế phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan (bao gồm cả cơ quan khí tượng thủy văn), cơ chế phối hợp vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa trên cùng lưu vực để sát với thực tế đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống phải xả lũ khẩn cấp…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ( thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác quản lý vận hành an toàn đập, hồ thủy điện tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào tháng 5.2022
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị dự báo khí tượng thủy văn, các chủ hồ chứa để vận hành linh hoạt theo từng thời đoạn nước về và các ràng buộc về yêu cầu nước phía vùng hạ du. Đồng thời, báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho phép linh hoạt duy trì mực nước các hồ thủy điện cao hơn hoặc xấp xỉ mực nước trước lũ tùy theo diễn biến nước về.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 11.6 đến sáng 12.6, ở vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40 - 90 mm, có nơi trên 120 mm. Căn cứ quy định tại khoản 1 điều 7 trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được ban hành tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, cần đưa dần mực nước hồ Sơn La về cao trình 200 m; mực nước hồ Hòa Bình về cao trình 105 m trước ngày 15.6. Trong khi hiện nay, mực nước hồ Sơn La đang cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 5,52 m, mực nước hồ Hòa Bình đang cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 3,87 m và còn tiếp tục gia tăng. |
Theo Congthuong.vn