Theo đại diện Ban Tổ chức, Lễ trao giải thưởng năm nay được phát động từ tháng 6/2020 và có 232 hồ sơ dự thi ở 4 hạng mục: Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu; Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số. Quy chế bình chọn và trao tặng Giải thưởng cho các đơn vị phải đạt được các tiêu chí: Ưu việt về tính năng, công nghệ, bảo mật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Sự nổi trội của sản phẩm dịch vụ so với các sản phẩm khác cùng loại trên thị trường; Sản phẩm mới, dịch vụ có tiềm năng ứng dụng… Sau các vòng thẩm định, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 27 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ và 31 đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chuyển đổi số tiêu biểu có giải pháp công nghệ xuất sắc để trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Tổng giám đốc đại diện EVNGENCO1 nhận giải thưởng
Ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp hàng đầu của Quốc gia được đón nhận giải thưởng này, còn có 8 đơn vị thuộc EVN được vinh danh Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc gồm: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; Tổng Công ty Điện lực miền Trung; Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh; Tổng Công ty Phát điện 1; Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng; Công ty Điện lực Vĩnh Long; Điện lực Phú Qúy - Công ty Điện lực Bình Thuận.
Theo Ban Tổ chức, năm nay, EVN có nhiều bộ sản phẩm được xét tặng giải thưởng, nổi bật như: Phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS); “Phần mềm Quản lý kinh doanh điện (CMIS); Phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) và phần mềm Quản lý văn phòng (E-Office)”; “Phần mềm quản lý BSC/KPI, Phần mềm quản lý an toàn lao động ECP, TBA 110 kV kỹ thuật số”; Giải pháp “Cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử”; Phần mềm Giải pháp phần mềm “Sản xuất và kinh doanh điện năng”; Giải pháp “Hệ thống giám sát và phân tích hoạt động của hệ thống đo đếm”; “Hệ thống điều khiển xa và các trạm biến áp 110 kV không có người trực vận hành”; “Hệ thống DSC giải pháp điều khiển tích hợp các nguồn năng lượng không nối lưới Quốc gia”...
Sở dĩ có được những thành tựu trên là bởi nhiều năm qua, các đơn vị thanh viên của EVN đã triển khai mạnh mẽ công tác ứng dụng, đồng bộ các hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao độ tin cậy vận hành và tăng năng suất lao động. Trong đó tiêu biểu là việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý vận hành để như: Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống SCADA/EMS tại Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia; trang bị hệ thống quan trắc thủy văn cho các nhà máy thủy điện, các hệ thống giám sát online cho các thiết bị chính; triển khai hệ thống tự động điều khiển tổ máy (AGC), hệ thống giám sát diện rộng, hệ thống ghi sự cố trên hệ thống điện... Hiện tại toàn Tập đoàn đã đưa vào vận hành 63 trung tâm điều khiển xa và thực hiện điều khiển xa cho 850 trạm biến áp 220 kV và 110 kV không người trực. Đặc biệt là EVN đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và chuyển đổi số; nâng cấp, bổ sung các tính năng cho hệ thống phần mềm dùng chung; hệ thống quản lý văn bản (E-Office) được bổ sung thêm nhiều tính năng nâng cao, tích hợp ký số; hệ thống phòng họp không giấy (E- cabinet) thống nhất trong toàn Tập đoàn.
Các đơn vị thuộc EVN trong nhóm 22 doanh nghiệp được vinh danh ở hạng mục “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã hoàn thành nâng cấp và triển khai thống nhất đến tất cả các công ty điện lực hệ thống phần mềm quản lý khách hàng dùng điện CMIS 3.0; hệ thống phần mềm thu thập dữ liệu từ xa (EVNHES). Công tác số hóa quy trình nghiệp vụ được đẩy mạnh và đã "số hóa" được trên 90% các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của Tập đoàn. Theo đó, đến cuối năm 2019, EVN cung cấp 100% các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, bao gồm từ dịch vụ cấp điện mới, đến các dịch vụ thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện. Khách hàng sẽ ký các hồ sơ điện tử, được thực hiện theo phương thức nhận mật khẩu một lần (OTP) qua tin nhắn điện thoại hoặc email, chữ ký số; nhờ đó, tối đa trải nghiệm tiện ích cho khách hàng. Cuối tháng 12/2019, EVN đã hoàn thành việc đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện cấp độ 4 kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Việc đa dạng hóa kênh thanh toán tiền điện cũng được EVN triển khai trong những năm gần đây, trong đó có hình thức thanh toán tiền điện trực tuyến thông qua việc trích nợ tự động, Internet banking, mobile banking, ví điện tử,… EVN đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để chăm sóc khách hàng. Tại các trung tâm chăm sóc khách hàng ngành Điện, EVN không chỉ tiếp nhận yêu cầu, tư vấn qua kênh tổng đài điện thoại, mà còn đa dạng phương thức phục vụ khách hàng qua website, email, webchat, fanpage, App chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động, chatbot - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tư vấn khách hàng.
Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng đã tạo sức bật lớn cho EVN, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. Sự hài lòng của khách hàng đối với ngành Điện ngày càng tăng lên. Chất lượng dịch vụ điện cũng được ghi nhận qua những đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế. Năm 2019, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được tổ chức Doing Business - Ngân hàng Thế giới xếp hạng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và lọt Top 4 ASEAN.
Hiện nay, EVN đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. EVN định hướng trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động nhằm đưa EVN trở thành Tập đoàn kinh tế phát triển bền vững, hiệu quả.
Trường Thịnh