Làm tốt công tác an sinh xã hội
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, EVN được phân công hỗ trợ cho 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ (tỉnh Lai Châu). Tập trung vào thế mạnh của EVN là cung cấp điện cho các hộ dân làm tiền đề phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo cùng một số hỗ trợ khác, chương trình hỗ trợ của EVN giai đoạn 2009 - 2015 đã đưa Lai Châu từ tỉnh có tỷ lệ số hộ được dùng điện thấp nhất cả nước vào năm 2009 (chỉ có 37% xã và 29,4% hộ dân có điện), đến nay đã đạt 100% xã và 84,8% hộ dân có điện, vượt trước 6 tháng so với mục tiêu Nghị quyết của tỉnh Lai Châu đề ra. Riêng 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ đạt tỷ lệ 92,5% hộ dân có điện.
Tổng nguồn vốn của EVN cho Chương trình đầu tư lưới điện và hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2015 tại 3 huyện trên là 575 tỷ đồng. Ngoài đầu tư hệ thống điện, EVN còn tập trung hỗ trợ cho 3 huyện về xóa nhà tạm; xây dựng trung tâm đào tạo nghề, trường nội trú; nhà bán trú dân nuôi; đào tạo khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình sản xuất…
Bên cạnh đó, hàng năm, EVN còn thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện khác như: Phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước; hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, ủng hộ biển đảo, vùng bị thiên tai lũ lụt...
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp
Báo cáo của EVN tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cuối tháng 3/2017 cho thấy, hiện đơn vị đang quản lý 37 công trình thủy điện lớn nhỏ trên cả nước, với tổng dung tích là 44,73 tỷ m3. Hàng năm, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất điện, các hồ thủy điện đã làm tốt công tác cắt, giảm lũ trong mùa mưa; chống hạn, đẩy mặn trong mùa khô; đặc biệt đã cung cấp nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du.
Cụ thể, ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, hàng năm, EVN đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng 3 đợt. Tổng lượng nước xả từ 3 đến 5 tỷ m3, bảo đảm cung cấp đủ nước sản xuất và tưới dưỡng cho khoảng 620.748ha lúa và hoa màu.
Cấp điện nuôi tôm tại các tỉnh phía Nam
Đối với các tỉnh duyên hải Nam - Trung bộ và Tây nguyên, các hồ thủy điện đã chủ động xây dựng kế hoạch cấp nước với các địa phương, đặc biệt là các hồ Đơn Dương, Hàm Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai đã thực hiện rất tốt công tác phối hợp với các tỉnh (Bình Thuận, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nai) để xả nước đúng thời gian và theo yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp xuất khẩu và sinh hoạt của nhân dân.
Ở khu vực phía Nam, song song đầu tư các trạm bơm phục vụ tưới tiêu, EVN cũng đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện 220/110kV, lưới điện trung - hạ áp phục vụ nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, nhất là tôm công nghiệp/bán công nghiệp ở các tỉnh ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long. Đến hết ngày 31/12/2016, EVN cung cấp điện trực tiếp cho 48.315 khách hàng nuôi tôm, với sản lượng điện thương phẩm nuôi tôm năm 2016 là hơn 953 triệu kWh, chiếm 46% điện thương phẩm nông - lâm - thủy sản và hơn 1,4% tổng sản lượng điện thương phẩm của các công ty điện lực cấp điện cho nuôi tôm.
Có thể thấy, với sự chủ động, phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan liên quan và địa phương, EVN đã thể hiện rõ vai trò xã hội trong việc đầu tư bảo đảm đủ điện và nước cho sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, góp phần thực hiện an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông - lâm - thủy sản theo hướng thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, giai đoạn từ nay đến năm 2020, EVN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình cấp điện, nông thôn miền núi và hải đảo theo Quyết định 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân trên cả nước được sử dụng điện, hệ thống lưới điện nông thôn đạt tiêu chí số 4 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, EVN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong đó có việc quản lý vận hành hệ thống điện hiệu quả, nhất là các thủy điện, bảo đảm vừa sản xuất điện cho nền kinh tế, vừa cấp nước cho hạ du; tiếp tục đầu tư cấp điện cho nuôi tôm ở các tỉnh phía Nam; phát triển lưới điện để cấp điện cho các trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã được quy hoạch.
EVN kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp làm tốt công tác quy hoạch; hỗ trợ nguồn vốn với cơ chế ưu đãi để EVN thực hiện các dự án; đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thủy lợi; sửa đổi một số quy định tạo điều kiện linh hoạt cho EVN trong việc điều tiết hồ chứa thủy điện, nhất là trong mùa khô. |
Nguồn Báo Công Thương