Tham dự Lễ khởi công có đồng chí Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ Công Thương và các Bộ, Ban, ngành Trung ương; Đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng và các tỉnh Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên - Huế; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Kon Tum; Gia Lai; Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các đơn vị trong ngành Điện; Đại diện các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân huyện Đại Lộc, xã Đại Quang; các đơn vị thi công xây dựng, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát công trình, cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Các dự án ĐZ 500 kV NĐ Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV TTĐL Quảng Trạch; ĐZ 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và ĐZ 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 được EVN giao cho EVNNPT làm chủ đầu tư. Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) thay mặt EVNNPT quản lý dự án. Đây là các công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia với mục tiêu: Truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch lên Hệ thống điện Quốc gia; Đồng thời, tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia.
Các đại biểu làm lễ động thổ khởi công các Dự án
Quy mô tổng thể của 3 dự án bao gồm: Xây dựng mới gần 742 km đường dây 500 kV mạch kép đi qua 9 tỉnh/thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai); Xây dựng mới 08 ngăn lộ 500 kV tại sân phân phối Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Mở rộng một số ngăn lộ 500 kV tại các trạm biến áp 500 kV Vũng Áng, Dốc Sỏi, Pleiku 2; Xây dựng mới 03 Trạm lặp quang và 03 Nhà quản lý vận hành đội truyền tải điện.
Tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án là hơn 11.949 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian thi công của tất cả các dự án nêu trên là khoảng 20 tháng và phấn đấu hoàn thành, đưa vào vận hành vào khoảng giữa năm 2020.
Do tầm quan trọng của đường dây nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc bằng cơ chế đặc thù trong thủ tục đầu tư; Nhanh chóng giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình và đưa vào vận hành, nhằm đảm bảo cung cấp điện bổ sung cho miền Nam đúng tiến độ.
Phương Mai