EVN đang tích cực xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tiên tiến trong các dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện theo tiêu chuẩn N-1. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò đảm bảo an ninh năng lượng của EVN trong giai đoạn 2010-2015?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Đến nay, EVN đã trở thành một tập đoàn kinh tế hàng đầu của nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cả nước. Trong giai đoạn 2010-2015, EVN đã tập trung mọi nguồn lực vào đầu tư, phát triển các nhà máy điện, lưới điện với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 479.620 tỷ đồng, gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010 và đạt 95,7% kế hoạch được giao theo Quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, EVN đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất 9.852MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW. Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW vượt tiến độ 3 năm, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước. Các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1 về đích đúng thời hạn, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam. EVN cũng hoàn thành đóng điện 865 công trình lưới điện 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000 MVA, bảo đảm tăng năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc - Nam: đường dây (ĐD) 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, ĐD 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long; thay thế tụ bù dọc nhằm nâng cao khả năng tải cho cả 2 mạch ĐD 500kV Bắc – Nam...
EVN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi. Tới cuối năm 2014, đã có 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện. Trong đó, tỷ lệ được sử dụng điện tại khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc đạt 97,55% về số xã và 85,09% số hộ dân, khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 99,83% về số xã và 96,17% số hộ dân. Các con số này ở khu vực Tây Nam Bộ lần lượt là 98,85% và 97,72%. Đảm nhận cung cấp điện cho 8/12 huyện đảo, hoàn thành đưa điện ra các huyện đảo Phú Quốc, Cô Tô Lý Sơn và Kiên Hải. Góp phần xoá đói giảm nghèo, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh tại các địa bàn trọng điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc và khu vực biên giới. Hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo và hộ thu nhập thấp được sử dụng điện bằng 75% chi phí giá thành.
Mục tiêu quan trọng nhất thời gian tới của ngành điện vẫn là cung cấp điện liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế và xã hội. Để đáp ứng mục tiêu này, EVN vẫn được giao đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong cấp điện. Đây là thách thức lớn trong điều kiện EVN hiện chỉ còn chiếm hơn 50% tổng công suất của các nhà máy điện trong hệ thống, trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ công ích và đảm bảo tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện bình quân 10,5%-11%/năm trong những năm sắp tới, Bộ Công Thương đang chỉ đạo EVN triển khai thực hiện chương trình đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn phải huy động trên 600.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện. Hoàn thành 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.819 MW. Bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách như: Thủy điện Lai Châu, các dự án thuộc Trung tâm Vĩnh Tân, Duyên Hải, Ô Môn, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các dự án, công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch Điện VII. Chuẩn bị điều kiện khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện. Bảo đảm vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống điện, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân với chất lượng ngày càng cao. Xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tiên tiến của lưới điện trong công tác thiết kế để lựa chọn thiết bị có hiệu suất cao, tổn thất thấp trong các dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện theo tiêu chuẩn N-1; tích cực tham gia vào công tác chuẩn bị cho việc hình thành và phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh, nâng cao năng suất và hiệu quả trong mọi khâu trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh điện.
Khó khăn nhất của EVN trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là huy động vốn. Bộ Công Thương có giải pháp gì hỗ trợ EVN về vấn đề này?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Hiện EVN chủ yếu tự huy động vốn vay trong nước và nước ngoài trong khi năng lực tài chính của Tập đoàn chưa thật sự mạnh. Nếu không có cơ chế đặc biệt thì việc huy động nguồn vốn cho đầu tư và phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các Bộ KHĐT và Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt Đề án huy động vốn cho đầu tư và phát triển của EVN cho giai đoạn 2015-2020. Ngoài việc hỗ trợ về cơ chế, chính sách, kiến nghị Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài, Bộ cũng chỉ đạo EVN thực hiện đa dạng các hình thức huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện; tranh thủ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài thông qua việc đấu thầu cung cấp thiết bị hoặc đấu thầu EPC; huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế.
Đẩy mạnh cổ phần hóa các GENCO trong năm 2015 – 2016 là nhiệm vụ quan trọng nhằm phù hợp với lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Để hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện cho đất nước, việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Bộ Công Thương có định hướng gì trong việc chỉ đạo tái cơ cấu EVN giai đoạn 2015-2020?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Hiện nay, EVN đã thành lập 5 Tổng công ty điện lực, 3 Tổng công ty phát điện (GENCO) theo mô hình Công ty TNHH MTV, phê duyệt đề án tái cơ cấu của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và 5 Tổng công ty điện lực với yêu cầu sắp xếp mô hình tổ chức của các đơn vị trực thuộc. Giai đoạn 2011-2015 thoái toàn bộ vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành sản xuất chính, tập trung hoàn thành phương án cổ phần hoá các GENCO.
Đến thời điểm này, EVN đã thực hiện các mục tiêu theo đúng lộ trình. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp của công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã được tăng cường với nhiều biện pháp phù hợp với mô hình tổ chức mới của tập đoàn. Đến hết năm 2014 đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn đầu tư vào bất động sản và một phần lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với tổng số tiền thu về là 958,318 tỷ đồng, đạt 49% số vốn phải thoái giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty cùng thoái vốn đầu tư ngoài ngành dẫn đến khó khăn trong việc tìm đối tác chiến lược để chuyển nhượng vốn nên kết quả thoái vốn chưa đạt như mong muốn, EVN đã báo cáo và Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục tháo gỡ.
Theo kế hoạch, trong năm 2015, EVN phải hoàn thành thoái giảm vốn theo lộ trình tại ABBank, EVNFinance, ABS và GIC, giảm vốn tại 4 công ty cổ phần cơ khí điện lực xuống dưới 50% vốn điều lệ, triển khai cổ phần hóa GENCO 3, chuẩn bị để cổ phần hóa GENCO 1, 2 trong năm 2015 – 2016 phù hợp với lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện
Hiện Bộ đã chỉ đạo EVN hoàn thành Đề án hoàn thiện mô hình tổ chức của EVN trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh và Phương án tách bạch trong hạch toán khâu phân phối và bán lẻ tại các công ty điện lực; hoàn thành sắp xếp khối các trường đào tạo, tư vấn điện lực, cơ khí điện lực. Xây dựng và thực hiện đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động của toàn tập đoàn và các đơn vị, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Ngọc Loan/icon.com.vn