3 phương án đảm bảo điện
Hiện tại EVN đã xây dựng 3 phương án tính toán cân bằng cung-cầu điện cho năm 2016 trình Bộ Công Thương.
Cụ thể, phương án 1: Phụ tải cơ sở, tần suất nước về 65%. Với phương án này, hệ thống điện quốc gia đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải trong cả mùa khô và cả năm.
Trong 6 tháng mùa khô, các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí miền Nam được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Các nguồn thủy điện miền Nam được điều tiết để giữ mực nước cao đến hết tháng 4 để đảm bảo cung cấp điện hết mùa khô. Trong tháng 8 và tháng 9/2016 hệ thống cũng sẽ phải huy động các nguồn chạy dầu trong thời gian cắt khí.
Do đã được bổ sung thêm nhiều tổ máy nhiệt điện than mới (Vũng Áng 1, Nghi Sơn 1, Mông Dương 2, Mông Dương 1…), nên miền Bắc có dự phòng công suất và sản lượng tại chỗ lớn, sản lượng này có thể đủ để dự phòng cho trường hợp sự cố của một tổ máy nhiệt điện than ở miền Bắc.
Cũng như năm 2015, việc đảm bảo cấp điện cho miền Nam năm 2016 phụ thuộc chủ yếu vào việc vận hành ổn định, tin cậy của các tổ máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1. Dự kiến, sản lượng huy động từ 2 nhà máy này trong 6 tháng mùa khô khoảng 6,2 tỉ kWh và cả năm là 12,14 tỉ kWh, chiếm 18% tổng sản lượng nguồn điện miền Nam.
Trong trường hợp không thể đảm bảo sản lượng trên, có thể hệ thống sẽ phải huy động thêm các nguồn nhiệt điện dầu để bù lại phần sản lượng thiếu hụt.
Về truyền tải, xu hướng truyền tải vẫn là từ Bắc và Trung vào miền Nam với công suất và sản lượng truyền tải cao trong cả năm.
Giao diện Bắc-Trung sản lượng truyền tải cả năm là 13,27 tỉ kWh, tháng cao nhất là 1,5 tỉ kWh, tháng thấp nhất 500 triệu kWh. Giao diện Trung-Nam sản lượng truyền tải cả năm là 19,98 tỉ kWh, tháng cao nhất là 2,43 tỉ kWh, tháng thấp nhất 508 triệu kWh.
Phương án 2: Phụ tải tăng trưởng cao, tần suất nước về 65%. So với phương án phụ tải cơ sở, phương án này sản lượng phụ tải cao hơn 0,78 tỉ kWh trong mùa khô và cao hơn 1,62 tỉ kWh cả năm.
Với phương án này, dự kiến mùa khô cũng không huy động các nguồn chạy dầu. Cung cấp điện cơ bản được đảm bảo trong cả năm.
Phương án 3: Phụ tải tăng trưởng cao, tần suất nước về 90%. So với phương án cơ sở, phương án này có phụ tải cao hơn 0,78 tỉ kWh trong mùa khô và cao hơn 1,62 tỉ kWh cả năm, đồng thời sản lượng thủy điện theo nước về trong phương án này thấp hơn so với phương án cơ sở là 18 tỉ kWh.
Đây là phương án có thông số đầu vào cực đoan nhất trong các phương án tính toán.
Để đảm bảo cung cấp đủ điện, sẽ cần chạy các nguồn nhiệt điện cao trong cả mùa khô và mùa lũ, kể cả các nguồn nhiệt điện dầu và hạ mực nước các hồ thủy điện vào cuối năm 2016, sản lượng hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 900 triệu kWh. Sản lượng chạy dầu mùa khô 1,3 tỉ kWh và cả năm là 5,1 tỉ kWh.
Theo đánh giá của EVN, với tất cả các phương án tính toán, việc cung cấp điện năm 2016 sẽ được đảm bảo.
Tuy nhiên, việc cung cấp điện cho miền Nam rất khó khăn do các nguồn điện thêm vào miền Nam vẫn ít và một số hồ thủy điện khu vực Tây Nguyên và miền Nam có thể không tích được lên mực nước dâng bình thường.
Truyền tải trên các đường dây 500 kV Bắc-Nam luôn ở mức cao trong cả năm. Việc liên tục phải truyền tải vào Nam với công suất và sản lượng cao sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong vận hành.
Cùng sự chung tay của toàn xã hội
Để đảm bảo cung cấp điện năm 2016, hiện tại EVN đang tập trung sửa chữa, củng cố các tổ máy thủy điện, các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí; bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy năm 2016; tích nước các hồ thủy điện đến mực nước dâng bình thường để đảm bảo khả dụng nguồn cao nhất cho mùa khô năm 2016, đặc biệt là các nguồn thủy điện miền Nam và nam miền Trung.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa các công trình trọng điểm trên lưới điện truyền tải vào vận hành như: Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2, các bộ tụ bù dọc trên cung đoạn từ Pleiku-Cầu Bông, đường dây 220 kV liên kết Bắc-Trung Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới... để tăng cường khả năng truyền tải giữa các miền.
Ngoài ra, EVN giao chỉ tiêu tiết kiệm điện cho các tổng công ty điện lực (1,5% điện thương phẩm đối với các tổng công ty điện lực phía Bắc và 2% đối với các tổng công ty phía Nam) và tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức tiết kiệm điện của cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.
Tuy vậy, để đảm bảo cung cấp điện an toàn cho năm 2016, EVN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVN tiếp tục đảm bảo đủ khí khu vực Đông Nam Bộ cho phát điện, rút ngắn tối đa thời gian ngừng cấp khí bảo dưỡng các hệ thống khí Nam Côn Sơn và PM3 CAA, đặc biệt không thực hiện các công tác gây giảm khả năng cấp khí trong mùa khô, đồng thời vận hành ổn định các tổ máy của nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Vũng Áng 1.
Chỉ đạo PVN, PVGas cùng các đối tác trong Công ty Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn khẩn trương thực hiện ngay giải pháp đầu tư bổ sung đuốc xả dự phòng tại Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn để giảm thiểu thời gian ngừng cấp khí ngay từ kỳ bảo dưỡng sửa chữa năm 2016, nhằm tăng cường an ninh, an toàn cung cấp điện và giảm thiểu lượng dầu phải sử dụng để phát điện trong thời gian ngừng cấp khí để bảo dưỡng sửa chữa năm 2016.
Đồng thời chỉ đạo TKV tiếp tục đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là cung cấp đủ than cho nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 ở miền Nam; vận hành ổn định các nhà máy điện Cẩm Phả, Sơn Động, Na Dương, Cao Ngạn, Mạo Khê của TKV.
Ngoài ra, EVN mong muốn các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ EVN về giải phóng mặt bằng cho các công trình lưới điện trọng điểm như đường dây 220 kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình; đường dây 220 kV Phú Lâm-Hóc Môn, đường dây 220 kV Cầu Bông-Đức Hòa và Cầu Bông-Hóc Môn-Rẽ Bình Tây trên địa bàn TPHCM...
Nguồn: Chinhphu.vn