Tổng công ty Điện lực miền Bắc là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh và phân phối điện năng trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc. Là đơn vị có quy mô lớn với đội ngũ cán bộ yêu nghề, giàu kiến thức, năng động, nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh, góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện tốt vai trò chủ đạo của một ngành kinh tế mũi nhọn trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, phục vụ cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững, phục vụ tích cực cho sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.
Với khẩu hiệu “EVNNPC Vì sự phát triển cộng đồng”, 45 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, ý thức được vai trò vị thế của một tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp chủ đạo thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước, nên các thế hệ CBCNV trong Tổng công ty luôn nỗ lực hết mình để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện năng và các dịch vụ tiện ích khác cho mọi đối tượng khách hàng với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn, đảm bảo mang lại sự yên tâm, hài lòng cho khách hàng.
Để thực hiện các tiêu chí về Giá trị cốt lõi, chuẩn mực đạo đức trong văn hóa và thực thi văn hóa EVNNPC, lãnh đạo Tổng công ty và Công đoàn các cấp trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc xác định, văn hóa không phải là điều gì cao xa, mà cần phải coi văn hóa như các công việc thường ngày, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là làm hài lòng khách hàng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, cán bộ, công nhân viên chức, lao động ngành Điện phải thực sự đoàn kết, dành mọi sự ưu tiên tối đa để đảm bảo cung cấp điện tốt nhất, ổn định nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Đối với khách hàng, người thợ điện không được có biểu hiện tiêu cực, vòi vĩnh, hay từ chối yêu cầu chính đáng của người dân trong việc cấp điện, sửa chữa, hoặc giải quyết các vấn đề nảy sinh khi thực hiện nhiệm vụ.
Là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, có nhiều đối tượng phục vụ khác nhau, từ người dân thành phố, đến bà con các dân tộc vùng cao, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo, trình độ tư duy, nhận thức của mỗi nơi cũng khác nhau, nên văn hóa EVNNPC cũng quy định cách ứng xử phù hợp đối với người dân từng khu vực, vùng miền theo tiêu chí “khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi”, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương trong công tác sản xuất kinh doanh điện năng, giải phóng mặt bằng, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, các công trình đường dây và trạm, công tác điện nông thôn, tiết kiệm điện… theo phương châm: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Văn hóa EVNNPC không chỉ chú trọng tới đối tượng là khách hàng, mà Tổng công ty Điện lực miền Bắc coi việc đầu tư, nâng cấp thiết bị công nghệ, từng bước hiện đại hóa hệ thống lưới điện và hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý vận hành lưới điện và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh điện là điều kiện tối cần thiết, tạo độ tin cậy cung cấp điện và sự chính xác trong quản lý các dữ liệu về vốn, về đo đếm điện năng, về thu tiền điện. Với những yêu cầu như vậy, vấn đề nhân sự đã được EVNNPC đặc biệt coi trọng. Những năm qua, Tổng công ty đã dành một nguồn kinh phí không nhỏ cho công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ để làm chủ máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến; đảm bảo công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, EVNNPC không chỉ quan tâm trang bị tới CBCNV và người lao động những kỹ năng ứng xử giữa cấp trên, cấp dưới, giữa các đồng nghiệp, giữa các thành viên gia đình thợ điện, đảm bảo “trên thuận dưới hòa”, mà cả kiến thức giao tiếp với khách hàng, các đối tác của ngành Điện vì mục tiêu “Hợp tác để cùng phát triển”.
Để xứng đáng là doanh nghiệp hàng đầu quốc gia trong lĩnh vực kinh doanh điện năng, cái nôi của ngành Điện Việt Nam, lãnh đạo và Công đoàn Tổng công ty cũng thông qua các tiêu chuẩn trong bộ Văn hóa EVNNPC để giáo dục ý thức trách nhiệm, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, biết hy sinh quyền lợi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, “Vì cộng đồng phát triển”, vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Nghiêm Liên