Hệ thống đường dây 500 kV – Bước ngoặt mới của ngành Điện
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình thiếu điện ở miền Nam và miền Trung là rất nghiêm trọng, mỗi tuần phải cắt điện từ 4 - 5 ngày, trong khi miền Bắc lại thừa điện. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ý tưởng xây dựng đường dây siêu cao áp từ Hòa Bình vào Phú Lâm Tp. Hồ Chí Minh lại chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều lãnh đạo cấp cao, cũng như các chuyên gia, các nhà khoa học, thậm chí có cả một bộ phận không nhỏ người dân các địa phương.
Với quyết tâm không để miền Nam và “khúc ruột miền Trung” thiếu điện, bằng quyết tâm cao, cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, ngày 31/1/1992, Bộ Năng lượng đã khẩn trương làm Tờ trình số 03/NL-KH trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xin chủ trương, cơ chế đầu tư các công trình quan trọng của đất nước, trong đó có Dự án đường dây 500 kV Bắc - Nam. Sau khi được sự chấp thuận của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, ngày 05/4/1992 đã đi vào trang sử vàng của ngành Điện Việt Nam và đất nước ta: Dự án đường dây 500 kV có tổng chiều dài là 1.462,5 km đi qua 17 tỉnh, thành phố đã chính thức được khởi công. Các Công ty Tư vấn Xây dựng điện thực hiện các công đoạn khảo sát, thiết kế, còn 04 Công ty Xây lắp Điện 1, 2, 3, 4 là những đơn vị chủ lực thi công công trình, riêng 04 Công ty Truyền tải Điện 1, 2, 3, 4 được giao đảm nhận giám sát, kiểm tra, nghiệm thu thi công và sau đó sẽ tiếp nhận quản lý, vận hành công trình.
Việc khánh thành và đưa vào vận hành hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam vào tháng 5/1994 đã tiếp thêm sức mạnh cho phát triển kinh tế, xã hội của miền Trung và miền Nam, tạo điều kiện để nước ta bước vào giai đoạn phát triển quan trọng của thời kỳ mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, trong đó giai đoạn 1996 – 2000, duy trì được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 7%/năm. Năm 2000 - 2005, nền kinh tế liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, GDP bình quân mỗi năm đạt 7,5%. Năm 2005, tốc độ tăng trưởng đạt 8,4% GDP theo giá hiện hành...
Để lưới điện không ngừng vươn xa
Gần một phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ ngày đóng điện vận hành tuyến đường dây mạch 1 dài gần 1.500 km với 5 trạm biến áp và trạm cắt 500 kV trải dài từ Bắc vào Nam, đến nay, hệ thống điện quốc gia đã có thêm 2 mạch đường dây 500 kV mạch 2 và mạch 3 - với tổng chiều dài hơn 8.000 km đường dây, mỗi năm truyền tải hàng chục tỷ kWh điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện và an ninh năng lượng quốc gia. Sự trưởng thành vượt bậc của cán bộ, công nhân Việt Nam trong việc đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu, trong đó có đội ngũ những người thợ truyền tải điện… đã khẳng định: Cán bộ, kỹ sư, lao động Việt Nam có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao. Từ năm 2003 – 2004, chủ trương của Đảng và Nhà nước là tập trung đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từng bước hướng tới minh bạch hóa thị trường điện cạnh tranh từ khâu phát điện tới phân phối, riêng lĩnh vực truyền tải điện do Nhà nước độc quyền quản lý. Đây là bước ngoặt quan trọng để năm 2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có Quyết định số 223/QĐ-EVN ngày 11/4/2008 thành lập Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia với nòng cốt là các công ty truyền tải điện, các ban quản lý dự án lưới điện…, mở ra một trang sử mới cho ngành Truyền tải Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
10 năm một chặng đường vẻ vang
Ngay sau khi thành lập, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tập trung vào nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải, gồm các trạm và đường dây có cấp điện áp từ 220 kV đến 500 kV, còn hệ thống lưới điện cấp điện áp 110 kV được bàn giao cho các Tổng Công ty Điện lực. Trong năm đầu đi vào hoạt động, Tổng Công ty đã truyền tải được 71.313 triệu kWh, vượt chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao. Tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 1,64% giảm 0,36% so với chỉ tiêu đầu năm.
Năm 2009 đóng điện 33 công trình, trong đó các công trình lưới điện đồng bộ với các công trình nguồn điện, như Trạm 500 kV Quảng Ninh; Đường dây 500 kV Quảng Ninh - Thường Tín; Trạm 500 kV Dốc Sỏi; Trạm 500 kV Ô Môn, Đường dây 500 kV Ô Môn - Cai Lậy - Nhà Bè, Trạm 500 kV Pleiku - Máy 2; Đường dây 220 kV Hải Phòng - Vật Cách; Đường dây 220 kV Quảng Ninh - Hoành Bồ; Đường dây 220 kV Quảng Ninh - Cẩm Phả; Đường dây 220 kV Sê San 4 – Pleiku; Đường dây 220 kV Cà Mau - Bạc Liêu... Đáng chú ý là, đã đóng điện thành công đường dây 220 kV dài 69,5 km đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên - Takeo cấp điện sang Campuchia. Công trình này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn góp phần mở rộng quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ đường dây tải điện
Từ năm 2011 - 2015, Tổng Công ty đã thực hiện đầu tư các công trình lưới điện truyền tải với khối lượng đầu tư lớn, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất của các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đồng thời đã kết nối khép kín mạch vòng 500 kV tại các khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam như: Mạch vòng 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan - Thường Tín - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La ở khu vực miền Bắc; mạch vòng Phú Lâm - Cầu Bông - Tân Định - Sông Mây - Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm ở miền Đông Nam Bộ qua đường dây 500 kV Nhà Bè - Ô Môn và Phú Lâm - Ô Môn. Tổng Công ty đã hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải điện như: Nâng dung lượng tụ bù dọc toàn tuyến 500 kV Bắc - Nam từ 1000 A lên 2000 A, Đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông,.. qua đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được EVN giao trong việc cung cấp điện cho đất nước, nhất là cấp điện sản xuất và sinh hoạt cho khu vực miền Nam.
Cùng với việc phát triển lưới điện 500 kV, Tổng Công ty đã tập trung đầu tư xây dựng các dự án lưới điện 220 kV, đưa vào vận hành phục vụ cung cấp điện cho thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, như các trạm biến áp 220 kV Vân Trì; Thành Công; Đức Hòa; các đường dây 220 kV Vân Trì - Sóc Sơn; Vân Trì – Chèm; Hà Đông - Thành Công; Cầu Bông - Đức Hòa; Cầu Bông - Hóc Môn rẽ Bình Tân.
Đặc biệt, năm 2017, EVNNPT đã vượt qua các khó khăn “nút thắt” về nguồn vốn, về giải phóng mặt bằng thi công, truyền tải được 166,17 tỷ kWh, đạt 100,5% so với kế hoạch điều chỉnh Tập đoàn giao, tăng gấp 2,33 lần so với năm 2008. Nếu như 6 tháng cuối năm 2008, Tổng Công ty đã chi 121 tỷ đồng cho công tác sửa chữa lớn, thì bước vào năm 2017, EVNNPT đã chi tới 741,7 tỷ đồng cho 763 công trình, gấp hơn 6 lần so với năm 2008. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ hoàn thành sửa chữa các thiết bị của hệ thống tự động điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu SCADA, sau khi tiếp nhận các thiết bị này trong tình trạng hư hỏng ít nhiều từ các Trung tâm điều độ theo sự chỉ đạo của EVN.
Chặng đường 10 năm qua, Tổng Công ty đã vận hành liên tục lưới điện truyền tải đảm bảo ổn định, an toàn (24.362 km đường dây truyền tải và 138 trạm biến áp với khoảng 76.000 MVA) truyền tải hết công suất các nhà máy điện, cấp đủ điện cho các trạm biến áp phụ tải, với tổng sản lượng lũy kế tới cuối năm 2016 đạt 917 tỷ kWh, đưa vào vận hành tăng thêm 48.510 MVA công suất trạm (gấp 1,5 lần khối lượng TBA đầu tư xây dựng từ năm 2007 trở về trước) và 12.749 km đường dây truyền tải (tương đương tổng khối lượng đường dây truyền tải xây dựng cả giai đoạn 2007 trở về trước).
Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ quản lý vận hành an toàn lưới điện, bộ máy tổ chức, nhận sự của EVNNPT cũng đã được kiện toàn ổn định và hoạt động hết sức khoa học, hiệu quả gồm: Hội đồng Thành viên, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát nội bộ, các Phòng ban Tổng Công ty; Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4, các Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện; Đảng bộ, Công đoàn và Đoàn Thanh niên từ EVNNPT tới các đơn vị thành viên. Toàn Tổng Công ty hiện có 7.637 cán bộ, công nhân, viên chức – lao động, hầu hết được đào tạo bài bản và đây được coi là nhân tố quyết định cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Để xứng đáng là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ năm 2016 - 2018, Tổng Công ty đã tập trung xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động của EVNNPT giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó xác định rõ các mục tiêu phải phấn đấu đạt được tới năm 2020. Với sự quyết tâm, nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng suất lao động và tối ưu hóa chi phí theo chủ trương của EVN, Đảng ủy EVNNPT và Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty đã xác định chủ đề xuyên suốt cần thực hiện của từng năm. Năm 2016 là “Nâng cao năng lực quản trị và nâng cao chất lượng công tác truyền tải điện”; năm 2017 là “Đẩy mạnh khoa học công nghệ” nhằm thực hiện cuộc cách mạng 4.0; năm 2018 là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Tổng Công ty vừa tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ và công nhân kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao, vừa hướng tới mở rộng số lượng khách hàng của Tổng Công ty. Trên cơ sở đó, EVNNPT đã triển khai một số các giải pháp cơ bản, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực: Đầu tư phát triển hệ thống lưới điện; Tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư; Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường hợp tác quốc tế; Chăm lo xây dựng đời sống vật chất tinh thần cho người lao động; Củng cố niềm tin và xây dựng thương hiệu và cuối cùng là định hướng các mục tiêu chiến lược, phấn đấu: “Trở thành một bộ phận chuyên nghiệp, hiệu quả, hoạt động trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và đến năm 2040 có thể cung cấp các dịch vụ thuộc lĩnh vực quan hệ quốc tế ra bên ngoài EVNNPT”. Qua đó, thực hiện sứ mệnh: “Nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng tính chuyên nghiệp, thực hiện đổi mới và đa dạng hóa công tác quan hệ quốc tế phục vụ cho sứ mệnh chung của EVNNPT”.
Ngành Điện Việt Nam đã có đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trong thành tựu chung đó, phải khẳng định có vai trò hết sức to lớn của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Những người thợ truyền tải đã thầm lặng hy sinh, gánh trên vai một sứ mệnh vô cùng quan trọng, giữ vững dòng điện - “mạch máu” của Tổ quốc, góp phần cùng cả nước thúc đẩy thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phan - Tuấn