Giai đoạn 2018 - 2030, dự kiến, tổng vốn đầu tư xây mới, cải tạo, nâng công suất công trình lưới điện truyền tải ước tính khoảng 10,7 tỷ USD. Trong đó, riêng năm 2018 là 18.107 tỷ đồng. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với EVNNPT trong thời gian tới.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), EVNNPT được giao nhiều dự án quan trọng về phát triển lưới điện truyền tải, trong đó có nhiều công trình cấp điện cho miền Nam. Theo đó, từ nay đến năm 2020, bình quân hàng năm, Tổng Công ty phải đầu tư khoảng trên 18.000 tỷ đồng cho phát triển lưới điện truyền tải quốc gia. Để thực hiện nhiệm vụ đó, thời gian qua EVNNPT đã tích cực chủ động tìm kiếm, làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đểthu xếp vốn cho các dự án. Tuy nhiên, công tác thu xếp vốn của Tổng Công ty đã gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi trong suốt một thời gian dài, giá truyền tải điện chỉ đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất hợp lý tối thiểu, không đủ lợi nhuận để đầu tư phát triển. Do đó, Tổng Công ty không đủ vốn đối ứng để tham gia các dự án lưới điện truyền tải dẫn đến tài sản của EVNNPT chủ yếu hình thành từ vốn vay, khả năng tự chủ về tài chính thấp. Chính vì vậy, khi các ngân hàng yêu cầu chứng minh nguồn vốn tự có của doanh nghiệp là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài có thời gian đàm phán kéo dài và để giải ngân được nguồn vốn này (Trung bình 20 tháng làm thủ tục) thì phải hoàn thiện nhiều thủ tục vay chặt chẽ, liên quan đến sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, do đó đối với các dự án cấp bách thì rất khó sử dụng nguồn vốn này.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, EVNNPT đã chủ động vận động, thuyết phục và xây dựng kế hoạch vay vốn dài hạn với các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn vay ODA cho các dự án lưới điện truyền tải; Triển khai các hình thức thu xếp vốn nhanh gọn về về thủ tục và yêu cầu của phía cho vay. Đến nay Tổng Công ty đã có được nhiều nhà tài trợ uy tín trên thế giới như: Ngân hàng thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW; Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ký kết cho vay vốn ưu đãi với tổng giá trị đạt 2,6 tỷ USD, chiếm khoảng 51% tổng đầu tư của EVNNPT cho hệ thống truyền tải điện giai đoạn 2008 - 2018.
Đối với nguồn vốn vay trong nước, Tổng Công ty đã ký hợp đồng vay vốn cho 05 dự án với tổng giá trị 5.348 tỷ đồng, trong đó có 820 tỷ đồng để thanh toán cho đền bù và không kể 500 tỷ đồng vay ngắn hạn theo hình thức bắc cầu cho khoản vay dài hạn nhằm đáp ứng kịp thời đủ vốn và đảm bảo tiến độ cho dự án đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; Hoàn thành thủ tục ký kết vay 1.538 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho dự án đường dây Quảng Ninh - Mông Dương; Phối hợp với Ngân hàng BIDV thẩm tra 9 dự án thuộc danh mục cấp bách với nhu cầu vay 3.010 tỷ đồng. Tổng Công ty cũng đã ký kết 230,69 triệu USD của khoàn vay phân kỳ 1, 2 của Ngân hàng ADB, AfD. Đồng thời, hoàn thành đàm phán với Ngân hàng Eximbank thu xếp 42 triệu USD cho các dự án nâng dung lượng các tụ bù dọc trên đường dây 500 kV Bắc - Nam.
Bên cạnh đó, để phát huy tính hiệu quả từ nguồn vốn vay trong công tác đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, EVNNPT đã tập trung thực hiện công tác “Tối ưu hóa chi phí” và xem đó là yếu tố chủ đạo xuyên suốt mọi hoạt động của các cơ quan trực thuộc Tổng Công ty. Theo đó, những năm gần đây, Tổng Công ty đã tập trung rà soát, thực hiện tối ưu hóa các khoản chi phí với tổng số tiền tiết kiệm đạt 9,056 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch Tập đoàn giao. Đối với nhóm chỉ tiêu tối ưu hóa trong quản lý vận hành, EVNNPT đã thực hiện sửa chữa lớn với giá trị 381,06 tỷ đồng. Năm 2014, Tổng Công ty đã tối ưu hóa chi phí và tiết kiệm trong đầu tư xây dựng đạt giá trị 915,389 tỷ đồng; Thu xếp vốn cho các dự án với tổng số tiền là 27.120 tỷ đồng tăng 41,2% so với năm 2013; Phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất huy động thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại (2010 - 2015) đối với trái phiếu doanh nghiệp; Cấp phát vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng cho các đơn vị đạt 2.200 tỷ đồng (vốn chi phí sản xuất), 5.855 tỷ đồng (vốn đầu tư xây dựng). Đồng thời, Tổng Công ty đã hoàn thành quyết toán 85 dự án với tổng giá trị phê duyệt quyết toán là 19.196 tỷ đồng/kế hoạch 77 dự án, đạt 110% kế hoạch đề ra. Năm 2017, Tổng Công ty đã hoàn thành khối lượng đầu tư đạt 17.984 tỷ đồng. Quý I/2018, tổng doanh thu truyền tải điện của EVNNPT đạt 41.672 tỷ đồng; Công tác thu xếp vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng trong năm với tổng giá trị là18.107 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần làm giảm căng thẳng tình hình tài chính trong việc xử lý dứt điểm thanh quyết toán đối với các công trình, dự án tồn đọng có thời gian phê duyệt quyết toán chậm so với quy định.
10 năm tới, EVNNPT cần 10,7 tỷ USD để đầu tư tăng thêm 69.000 MVA công suất TBA và 23.000km đường dây truyền tải 500 - 220kV.
Là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tải điện, nên ưu tiên số một của Tổng Công ty trong thời gian tới là đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, ổn định. Phấn đấu trong vòng 10 năm tiếp theo, EVNNPT sẽ đầu tư tăng thêm khoảng 69.000 MVA công suất TBA và 23.000 km đường dây truyền tải 500 – 220 kV. Khối lượng tăng thêm này bằng toàn bộ khối lượng đầu tư cho lưới truyền tải từ trước tới nay với tổng số tiền đầu tư khoảng 10,7 tỷ USD.
Để đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư, phát triển lưới điện truyền tải trong thời gian tới, EVNNPT sẽ tiếp tục vận động và sử dụng nguồn vốn vay ODA từ các nhà tài trợ truyền thống, vốn vay ưu đãi nước ngoài với lãi suất thấp; Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức tín dụng đa phương, song phương truyền thống của EVNNPT; Đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính có phương án linh hoạt trong bảo lãnh vay vốn, đặc biệt là vay vốn nước ngoài để đầu tư các công trình truyền tải điện có suất đầu tư lớn, cải cách các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian thu xếp, hoàn thiện và ký kết các thỏa thuận hợp tác, hiệp định vay... nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và tăng hiệu quả dự án.
Tuấn Anh