Theo số liệu từ cơ quan chức năng, trên phạm vi cả nước hiện có khoảng 89 dự án điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm hơn 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, chỉ tính riêng khu vực Nam Trung Bộ hiện đã có gần 40 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất đặt trên 2.027 MW. Dự kiến đến hết năm 2020, công suất này sẽ tăng lên 4.240 MW. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đối phó với những thách thức về thiếu hụt nhu cầu năng lượng và đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động đó là tình trạng thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện mặt trời với các lĩnh vực hạ tầng lưới điện truyền tải đã dẫn tới việc nhiều đường dây, trạm biến áp (TBA) từ 110 kV - 500 kV trên địa bàn đều quá tải. Kéo theo đó là các nhà máy điện năng lượng tái tạo thường xuyên phải cắt giảm từ 30 - 60% công suất, nhằm duy trì trào lưu công suất trong ngưỡng cho phép, đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn khu vực Nam Trung Bộ, thời gian qua và đặc biệt trong 06 tháng đầu năm 2020, EVNNPT đã vượt qua mọi khó khăn, tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gấp rút đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án truyền tải nhằm khai thác tối đa nguồn điện từ các nhà máy điện gió và mặt trời lên lưới, bổ sung công suất cho hệ thống điện quốc gia. Theo đó, Tổng công ty đã hoàn thành vượt tiến độ thi công 73 ngày đối với Dự án nâng công suất TBA 500 kV Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận). Việc đóng điện công trình đã làm tăng khả năng truyền tải cho hệ thống, giúp giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo, giảm tổn thất điện năng và làm lợi cho ngân sách nhà nước hơn 80 tỷ đồng.
EVNNPT đang nỗ lực đưa dự án đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm về đích theo đúng tiến độ đề ra
Bên cạnh đó, EVNNPT cũng đã hoàn thành vượt tiến độ và đóng điện thành công TBA 220 kV Phan Rí. Việc đưa trạm vào vận hành đã đảm bảo khả năng truyền tải nguồn năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió trên địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc của tỉnh Bình Thuận, cũng như các huyện phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đưa lên lưới điện 220 kV. Đặc biệt, mới đây nhất, Tổng công ty cũng đã hoàn thành vượt tiến độ trước 06 tháng đối với công trình TBA 220 kV Ninh Phước và đường dây đấu nối. Đây là dự án đặc biệt quan trọng được xây dựng trên địa bàn huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Quy mô của dự án gồm 01 TBA 220/110/22 kV với tổng công suất 550 MVA; Đường dây đấu nối 04 mạch cấp điện áp 220 kV có chiều dài tuyến 4,6 km; Dây dẫn pha 2xACSR-330/43 đấu nối TBA 220 kV Ninh Phước với đường dây 220 kV Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân - Tháp Chàm. TBA 220 kV Ninh Phước đi vào vận hành đã giải tỏa được 306 MW công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận để truyền tải lên hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Tổng giám đốc EVNNPT cho biết: Việc hoàn thành vượt tiến độ các Dự án án nâng công suất TBA 500 kV Vĩnh Tân; TBA 220 kV Phan Rí; TBA 220 kV Ninh Phước và đường dây đấu nối… có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với EVNNPT. Bởi, các dự án này có vai trò giải phóng một phần công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực Nam Trung Bộ, góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, cũng như nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội các tỉnh phía Nam. Thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án như: Nâng công suất TBA 500 kV Di Linh từ 450 MVA lên 900 MVA; Đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm; TBA 220 kV Cam Ranh; TBA 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo… nhằm giải tỏa hết công suất các nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Trung Bộ.
Để đảm bảo các công trình về đích đúng tiến độ đề ra, EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa sớm xem xét và chấp thuận hỗ trợ về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối trên các vị trí móng trụ (đất thu hồi vĩnh viễn), cũng như cây cao nằm trong hành lang an toàn lưới điện cao áp đối với các hộ dân đã khai hoang, canh tác trên đất lâm nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm thẩm định hồ sơ đo đạc rải thửa trên địa bàn các huyện Diên Khánh và Cam Lâm. Ngoài ra, đối với các hộ dân không hợp tác trong quá trình kiểm kê tài sản và cố tình chống đối, Tổng công ty đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND TP. Nha Trang và UBND huyện Diên Khánh khẩn trương hoàn thiện thủ tục để thực hiện kiểm kê bắt buộc và tổ chức phê duyệt chi trả tiền cho người dân sớm nhất. Đặc biệt, EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh xem xét các hồ sơ, thủ tục để sớm trình Chính phủ và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận chương trình chuyển đổi mục đích rừng.
Tuấn Anh