Theo đó, tổng sản lượng điện truyền tải năm 2019 của EVNNPT đạt 199,306 tỷ kWh, tăng 8,02% so với năm 2018; Tỷ lệ tổn thất điện năng trên hệ thống điện quốc gia thực hiện đạt 2,15% và đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua; Tổng doanh thu truyền tải điện là 20.190 tỷ đồng, với lợi nhuận đạt 1.081 tỷ đồng. Ngoài ra, EVNNPT đã hoàn thành trước 01 năm kế hoạch chuyển 60% trạm biến áp 220 kV sang vận hành theo tiêu chí không người trực; Năng suất lao động thực hiện vượt kế hoạch và tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ luôn được Tổng công ty quan tâm, đầu tư… Để có những kết quả đó, EVNNPT đã đề ra và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kinh doanh, tổ chức điều hành, thu xếp nguồn vốn cho đầu tư xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ…
Cụ thể, năm 2019, Tổng công ty đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo lành mạnh tình hình tài chính và xây dựng kế hoạch vay vốn dài hạn với các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn vay ODA cho các dự án lưới điện truyền tải. Bởi vậy, năm qua, EVNNPT đã đảm bảo nguồn vốn là 19.742 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng 43 dự án, công trình trọng điểm nhằm cung cấp đủ điện cho khu vực Hà Nội, miền Nam và giải quyết tình trạng giải tỏa công suất một số lượng lớn các nhà máy điện năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Trung Bộ; Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các đường dây 500 kV mạch 03: Vũng Áng- Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2, để đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam giai đoạn từ năm 2020 trở đi… với tổng khối lượng đường dây 220 kV - 500 kV tăng thêm là 1.115 km và 8.709 MVA dung lượng máy biến áp từ 220 kV đến 500 kV so với thời điểm 31/12/2018.
Đồng thời, EVNNPT còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin để nâng cao công tác kinh doanh và vận hành lưới điện truyền tải như: Áp dụng hệ thống giám sát máy biến áp (MBA) để đánh giá tình trạng và tính toán khả năng tải động, mức độ lão hóa cách điện, tuổi thọ MBA nhằm chuẩn đoán và cảnh báo các nguy cơ, sự cố tiềm ẩn; Thiết bị giám sát khả năng tải động của đường dây để tính toán, dự báo khả năng tải động của đường dây, khả năng quá tải ngắn hạn; Thiết bị bay không người lái (UAV) trong quản lý vận hành đường dây truyền tải; Thiết bị định vị sự cố cho các đường dây 220 kV - 500 kV quan trọng với độ chính xác đạt đến +/-200m; Hệ thống quan trắc cảnh báo sét nhằm cảnh báo sớm về sự hình thành, xuất hiện của các cơn giông - sét tiềm năng gây nguy hiểm tới lưới điện truyền tải, định vị và xác định các thông số của sét… Ngoài ra, các nhiệm vụ trọng tâm khác như: Công tác đổi mới và phát triển doanh nghiệp; Quản lý, quản trị; Tăng năng suất lao động; Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển, văn hóa doanh nghiệp,… đều được Tổng công ty tập trung đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tốt.
EVNNPT đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án đầu tư theo kế hoạch
Có thể khắng định, những giải pháp quan trọng nói trên là tiền đề để EVNNPT tiếp tục bứt phá trong các năm tiếp theo. Đặc biệt, năm 2020 là năm quyết định đến việc hoàn thành kế hoạch 05 năm, giai đoạn 2016 - 2020, do vậy Tổng công ty sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc và toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra như: Sản lượng điện truyền tải đạt 215,290 tỷ kWh, tăng 8,02% so với năm 2019; Tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải thực hiện đạt 2,15%; Khởi công 38 dự án (07 dự án 500 kV và 31 dự án 220 kV); Hoàn thành và đưa vào vận hành 53 dự án (19 dự án 500 kV và 34 dự án 220 kV)… với tổng số vốn đầu tư là 18.550 tỷ đồng.
Trước những mục tiêu, nhiệm vụ đó, ngay từ đầu năm 2020, Tổng công ty đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu, trong đó nổi bật là: Thực hiện các biện pháp lành mạnh tình hình tài chính; Đa dạng hóa các hình thức thu xếp vốn và triển khai các hình thức huy động vốn không có bảo lãnh của Chính phủ; Tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật vận hành và kiểm tra, bảo vệ hành lang tuyến đường dây cao áp nhằm ngăn ngừa tối đa sự cố, trong đó tuyệt đối không để xảy ra các sự cố do nguyên nhân chủ quan; Đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án đường dây 500 kV mạch 3, giải tỏa công suất các nhà máy điện BOT và năng lượng tái tạo. Cùng với đó, EVNNPT cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo kế hoạch trong các đề án, gồm: Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nâng cao năng lực các Công ty Truyền tải điện; Nâng cao năng lực Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện; Đẩy mạnh thực hiện văn hóa EVNNPT; Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc trong Chiến lược phát triển Tổng công ty và các chiến lược thành phần theo đúng lộ trình để đảm bảo hoàn thành mục đến năm 2020 EVNNPT trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu ASEAN…
Có thể khẳng định, EVNNPT là "xương sống" của Hệ thống Điện Việt Nam, giữ vững dòng điện của Tổ quốc được thông suốt và đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chắc chắn rằng, với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, CBCNV-NLĐ trong việc đưa ra nhiều giải pháp quản lý, vận hành, tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả SXKD, Tổng công ty sẽ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu trong năm 2020 và kế hoạch 05 năm, giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, thực hiện thắng lợi "Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040" mà Tổng công ty đã đề ra.
Tuấn Anh