Trong đó, tổng sản lượng điện truyền tải đạt 200,88 tỷ kWh; Tỷ lệ tổn thất điện năng thực hiện giảm còn 2,29%; Thực hiện tốt chủ đề năm về “Chuyển đổi số”; Công tác tài chính được đảm bảo với lợi nhuận trước thuế đạt 1.025 tỷ đồng…
Có được những kết quả ấn tượng đó, cũng là nhờ EVNNPT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh mới. Đồng thời, đảm bảo vận hành và triển khai các dự án đầu tư mới. Theo đó, Tổng công ty đã hoàn thành một khối lượng đầu tư lớn với tổng giá trị xây dựng đạt 16.499 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch được giao. Nhiều dự án trọng điểm phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện, cũng như đảm bảo cung cấp điện được EVNNPT triển khai đúng tiến độ như: Dự án đường dây (ĐZ) 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân và TBA 500 kV Vân Phong; Nâng công suất các TBA 500 kV Pleiku 2, Đắk Nông; Các ĐZ 220 kV Nậm Sum – Nông Cống, Huội Quảng – Nghĩa Lộ - Việt Trì; Các TBA 220 kV Tương Dương, nối cấp TBA 220 kV Phố Nối, Vĩnh Châu, Năm Căn, Duyên Hải…
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng hoàn thành việc đóng điện tại 42 công trình. Trong số các dự án đóng điện năm 2021, có nhiều dự án giữ vai trò hết sức quan trọng, phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo, thủy điện…, nhằm đảm bảo cấp điện cho các vùng trọng điểm kinh tế của đất nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng khác theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao gồm: Dự án các ĐZ 500 kV Dốc Sỏi – Pleiku 2; Mỹ Tho – Đức Hòa; TBA 500 kV Đức Hòa; Nâng công suất TBA 500 kV Pleiku 2; Các ĐZ 220 kV Mường Tè – Lai Châu, Đông Hà – Lao Bảo, Quảng Ngãi – Quy Nhơn; Các TBA 220 kV Thủy Nguyên, Bến Lức, Giá Rai…
Ngoài ra, trong công tác “Chuyển đổi số”, EVNNPT đã không ngừng nỗ lực và hoàn thành 112/106 nhiệm vụ được giao. Trong đó, Tổng công ty đã hoàn thành vượt tiến độ 07 nhiệm vụ thuộc kế hoạch chuyển đổi số của giai đoạn 2022 – 2025. Một số kết quả nổi bật về chuyển đổi số của EVNNPT phải kể đến như: Đã triển khai hệ thống văn phòng số (D-Office) thống nhất từ Tổng công ty đến đơn vị cấp 4; Sử dụng công nghệ họp trực tuyến để tổ chức các cuộc họp; Thực hiện các gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi qua mạng; Triển khai hệ thống phần mềm IMIS 2.0 và nhật ký điện tử trong toàn Tổng công ty; Triển khai thành công TBA 220 kV Thủy Nguyên – TBA số đầu tiên tại Việt Nam; Thực hiện lắp đặt camera giám sát và thử nghiệm tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên hệ thống camera giám sát ĐZ truyền tải điện, cũng như số hóa bản đồ lưới điện hiện trạng 220 – 500 kV; Triển khai sử dụng camera giám sát công tác thi công các công trình đầu tư xây dựng; Phần mềm PMIS đã hoàn thành cập nhật dữ liệu thiết bị và triển khai quy trình sửa chữa, bảo dưỡng theo CBM cho MBA và máy cắt…
Đối với lĩnh vực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, EVNNPT đã hoàn thành nhiều dự án và đề án như: TBA số; Giám sát nhiệt động ĐZ; Mô hình thông tin công trình; Xây dựng hệ thống an toàn, an ninh thông tin; Áp dụng thiết bị bay không người lái và nghiên cứu ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh; Triển khai rộng rãi các chương trình phần mềm quản lý như ERP, quản lý kỹ thuật, phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu đo đếm từ xa và theo dõi, phân tích tổn thất điện năng; Hoàn thành chuyển đổi 104 TBA điều khiển xa.
EVNNPT bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị nhằm ngăn ngừa sự cố và tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện
Đặc biệt, trong công tác triển khai chiến lược phát triển và đổi mới doanh nghiệp, EVNNPT đã hoàn thiện nhiều đề án, chương trình quan trọng. Nổi bật phải kể đến như: Thành lập Phòng Khoa học công nghệ và Tự động hóa trực thuộc NPTS; Xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng phân tích sự cố ĐZ; Thực hiện và duy trì đánh giá xếp hạng tín nhiệm của EVNNPT; Xây dựng quy trình thực hiện và quản lý chất lượng, tiến độ dự án thực hiện theo hình thức EPC; Xây dựng các TBA truyền tải kiểu số hóa; Triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa TBA do EVNNPT tự xây dựng; Thử nghiệm trang thiết bị giám sát nhiệt động ĐZ; Hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thu thập, phân tích thông tin và sự kiện an toàn thông tin - SIEM; Nghiên cứu và đề xuất ứng dụng các công nghệ trợ giúp tự động hóa nghiệp vụ thường ngày: Robotic Desktop Automation (RDA); Robotic Process Automation (RPA)…
Có thể khẳng định, thông qua những giải pháp quan trọng nói trên chính là tiền đề để EVNNPT tiếp tục có sự bứt phá trong các năm tiếp theo. Đặc biệt, Tổng công ty sẽ nỗ lực hoàn thành tốt chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” và cán đích xuất sắc kế hoạch năm với các chỉ tiêu quan trọng như: Tổng sản lượng điện truyền tải đạt khoảng 205,4 tỷ kWh, tăng 2,25% so với năm 2021; Tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải thực hiện đạt 2,3%; Khởi công 44 dự án (08 dự án 500 kV, 35 dự án 220 kV và 01 dự án 110 kV); Hoàn thành, đưa vào vận hành 73 dự án (21 dự án 500 kV, 51 dự án 220 kV và 01 dự án 110 kV)… với tổng giá trị đầu tư xây dựng đạt 22.361 tỷ đồng.
Để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng đó, EVNNPT sẽ tăng cường công tác quản lý kỹ thuật; Tập trung xử lý các khiếm khuyết về chất lượng đối với các công trình lưới điện truyền tải; Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật vận hành, tuyệt đối không để xảy ra các sự cố do nguyên nhân chủ quan. Cùng với đó, Tổng công ty cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác ”Chuyển đổi số” và ứng dụng khoa học kỹ thuật, cũng như công nghệ mới vào hoạt động SXKD. Đặc biệt, EVNNPT cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật vận hành và kiểm tra, bảo vệ hành lang tuyến ĐZ cao áp; Xây dựng các tiêu chuẩn, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị lâu năm có chất lượng suy giảm nhằm ngăn ngừa sự cố và tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện; Tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược phát triển, đổi mới phát triển doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp...
Có thể nói, trong xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, EVNNPT có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Tin rằng, với truyền thống đoàn kết, kết hợp với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, CBCNV-NLĐ trong việc đưa ra nhiều giải pháp quản lý, vận hành, tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả SXKD, Tổng công ty sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2022, cũng như hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành một trong 10 tổ chức truyền tải điện hàng đầu châu Á vào năm 2025 và đến đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện vào năm 2030.
Tuấn Anh