PV: Cùng với sự phát triển của ngành Điện, quá trình phát triển lưới điện truyền tải của Việt Nam đã có những bước tiến dài. Để giúp bạn đọc có thể hình tượng được, xin ông khắc họa thêm về điều này?
Ông Lưu Việt Tiến: Hơn 10 năm qua, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô và ngày càng nâng cao về chất lượng, trình độ công nghệ. EVNNPT đã vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia với mức tăng trưởng bình quân đạt 10,95%/năm, góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp điện ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hiện nay, EVNNPT đang quản lý vận hành 154 trạm biến áp (TBA) với tổng dung lượng đạt 94.219 MVA, trong đó bao gồm 31 TBA 500 kV, 123 TBA 220 kV. Về đường dây, EVNNPT đang quản lý vận hành 25.301 km với 8.046 km đường dây 500 kV, 17.255 km đường dây 220 kV. So với ngày đầu thành lập, chiều dài đường dây truyền tải đã tăng 2,3 lần, số TBA tăng 2,5 lần, dung lượng MBA tăng 4,2 lần và hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, cũng như kết nối với lưới truyền tải điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Những con số ấn tượng này đã cho thấy bước tiến vượt bậc của lưới điện truyền tải trong những năm qua.
Ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT
PV: Thưa ông, mức độ tăng trưởng điện năng của nước ta luôn đạt trên 10%/năm có gây áp lực đối với EVNNPT trong giai đoạn hiện nay không. Trong khi, vấn đề truyền tải công suất các nhà máy điện mặt trời lên lưới điện truyền tải quốc gia đang gặp phải rất nhiều khó khăn?
Ông Lưu Việt Tiến: Trong bối cảnh phải đảm bảo nhu cầu về điện để phát triển kinh tế đất nước đã gây ra áp lực rất lớn đối với EVNNPT trong việc vận hành, cũng như đầu tư phát triển lưới điện truyền tải. Bên cạnh đó, do một số nguồn điện chậm tiến độ tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 dẫn đến quá tải các TBA 500 kV Nho Quan, Thường Tín. Các dự án nhiệt điện khác như: Long Phú 1, Sông Hậu 1… chậm tiến độ dẫn đến áp lực truyền tải cao trên đường dây 500 kv Bắc – Nam.
Đối với việc truyền tải công suất các nhà máy điện mặt trời (ĐMT), hiện nay hệ thống truyền tải điện quốc gia chưa để xảy ra tình trạng quá tải bởi các nhà máy ĐMT ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận phải giảm phát công suất nhằm tránh quá tải đường dây 110 kV thuộc quản lý của các Tổng công ty Điện lực. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi các Tổng công ty Điện lực hoàn thành dự án nâng cấp các đường dây 110 kV thì công suất ĐMT sẽ dồn lên lưới truyền tải. Cùng với một số dự án ĐMT thuộc tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hòa lưới từ nay đến 2020, dự kiến các TBA 500 kV Di Linh, Vĩnh Tân, Đăk Nông và các TBA 220 kV Phan Thiết, Tháp Chàm, các đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm, Đa Nhim - Đức Trọng, Đức Trọng - Di Linh… sẽ bị quá tải.
TBA 220 kV Than Uyên (Lai Châu) là TBA không người trực đầu tiên ở khu vực Tây Bắc
PV: Tổng công ty đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, EVNNPT sẽ trở thành một trong những đơn vị đứng đầu châu Á về chất lượng dịch vụ truyền tải điện. Vậy, ông có thể cho biết rõ hơn về mục tiêu này và Tổng công ty đã có những định hướng gì cho phát triển lưới điện thông minh trong tương lai?
Ông Lưu Việt Tiến: Theo chiến lược phát triển, đến năm 2020, EVNNPT trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu ASEAN, đến năm 2025, EVNNPT trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030, EVNNPT đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện.
Bởi, căn cứ vào sản lượng điện truyền tải, EVNNPT đang nằm trong nhóm 10 tổ chức truyền tải điện hàng đầu châu Á và căn cứ vào quy mô khối lượng đường dây truyền tải điện và dung lượng các TBA thì EVNNPT đang tiệm cận với nhóm 10 tổ chức truyền tải điện hàng đầu châu Á. Với 4 tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống truyền tải điện (độ tin cậy, độ sẵn sàng, suất sự cố và tổn thất truyền tải), EVNNPT đang đứng sát với nhóm 10 tổ chức truyền tải điện hàng đầu châu Á. Do đó, mục tiêu đến năm 2025, EVNNPT trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á về chất lượng dịch vụ truyền tải điện là hoàn toàn khả thi.
Hiện nay, EVNNPT đang triển khai đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Trong đó, Tổng công ty đã và đang thự hiện nhiều dự án nhằm phát triển lưới điện thông minh như: Triển khai trạm biến áp số; Áp dụng hệ thống giám sát MBA nhằm đánh giá tình trạng, cũng như tính toán khả năng tải động, mức độ lão hóa cách điện, tuổi thọ MBA, chẩn đoán và cảnh báo các nguy cơ, sự cố tiềm ẩn; Ứng dụng thiết bị giám sát khả năng tải động của đường dây để tính toán, dự báo khả năng tải động của đường dây và tính toán khả năng quá tải ngắn hạn; Ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để quản lý vận hành đường dây; Ứng dụng thiết bị định vị sự cố cho các đường dây 500 kV và đường dây 220kV quan trọng với độ chính xác đạt đến +/-200m; Áp dụng hệ thống quan trắc cảnh báo sét nhằm cảnh báo sớm về sự hình thành, xuất hiện của các cơn giông - sét tiềm năng gây nguy hiểm tới lưới điện truyền tải, định vị và xác định các thông số của cú sét.
Ứng dụng thiết bị bay để đốt các vật thể mắc trên đường dây truyền tải đang mang điện
PV: Theo ông, những thách thức lớn nhất đối với EVNNPT trong việc thực hiện những mục tiêu trên là gì và Tổng công ty đã có những giải pháp đột phá nào để khắc phục những khó khăn trên thưa ông?
Ông Lưu Việt Tiến: Trở ngại lớn nhất đối với EVNNPT trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược đưa Tổng công ty trở thành một trong 10 tổ chức truyền tải điện hàng đầu châu Á là về chất lượng nguồn nhân lực. Bởi, so với khi thành lập, tổng số CBCNV của EVNNPT tăng 15% nhưng số lao động SXKD điện lại giảm 5,28%. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của EVN về nâng cao năng suất lao động, EVNNPT tiếp tục tiết giảm lao động SXKD theo hướng tách bạch, sắp xếp hài hòa lao động giữa các khâu quản lý vận hành, quản lý dự án đầu tư và dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện. Tuy nhiên, việc hạn chế được tiếp nhận các lao động mới, trẻ, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng ngoại ngữ tốt sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa đội ngũ cán bộ và làm giảm khả năng sáng tạo, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực truyền tải điện. Ví dụ, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để quản lý vận hành đường dây đòi hỏi lao động có đủ khả năng điều khiển UAV, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích hình ảnh…
Trước những khó khăn đó, trong những năm qua EVNNPT đã hết sức chú trọng vào công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt là tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu và từng bước thực hiện lộ trình đào tạo các cán bộ có chuyên môn giỏi thành chuyên gia. Theo đó, EVNNPT đã tuyển chọn và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao về hệ thống điều khiển bảo vệ (HTĐKBV) Siemens, ABB, Toshiba cho các cán bộ kỹ thuật. Hiện nay, các cán bộ sau khi trở về tiếp tục được giao nhiệm vụ giảng dạy, trao đổi kiến thức tại các hội thảo để truyền đạt lại các kiến thức đã học cho các cán bộ kỹ thuật khác đồng thời tự thực hiện cấu hình, tích hợp các HTĐKBV của Siemens, ABB, Toshiba hoặc dùng phần mềm của bên thứ 3 để cấu hình, tích hợp các HTĐKBV mới. Nhờ đó, EVNNPT đã chủ động trong việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng HTĐKBV các TBA, giảm chi phí đầu tư (so với phương án thuê nhà thầu bên ngoài thực hiện).
Ngoài ra, EVNNPT cũng đã tuyển chọn và tổ chức nhiều khóa đào tạo về công nghệ MBA. Sau khi tham gia các khóa đào tạo, các học viên đã được tìm hiểu sâu hơn về cấu tạo, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa MBA. Các cán bộ sau khi được đào tạo đã tích cực tham gia vào quá trình chuẩn đoán, xử lý sự cố MBA và bước đầu tạo thành nhóm chuyên gia tư vấn về MBA cho Tổng công ty; Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo bồi huấn công nhân kỹ thuật, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và các kỹ năng công việc cho CBCNV. Bên cạnh đó, EVNNPT tiếp tục cử cán bộ tham gia vào Đề án đào tạo chuyên gia của Tập đoàn trong các lĩnh vực như: Tự động hoá lưới điện, thí nghiệm điện, quản lý dự án đầu tư xây dựng.
PV: Để hướng đến mục tiêu trên, chúng ta không chỉ nhìn vào quy mô lưới điện mà còn phải nhìn nhận vào nhiều khía cạnh khác như: Năng suất lao động, suất sự cố… Trong khi, những tiêu chí này của EVNNPT hiện vẫn còn cao. Vậy, Tổng công ty đã có giải pháp gì để tăng năng suất lao động, giảm sự cố trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Lưu Việt Tiến: Để giảm sự cố trên lưới điện truyền tải, EVNNPT đang tích cực từng bước nâng cấp lưới điện truyền tải nhằm giảm sự cố do hư hỏng thiết bị đã cũ. Đồng thời, chuẩn hóa đặc tính kỹ thuật thiết bị nhằm nâng cao chất lượng thiết bị đầu tư mới; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giảm thiểu sự cố chủ quan; Ứng dụng các công nghệ mới để chủ động dự báo nguy cơ sự cố tiềm ẩn…
Riêng tiêu chí đánh giá về năng suất lao động, EVNNPT đang đứng áp chót nhóm có năng suất lao động trung bình trong dải từ 15 - 30 GWh/người. Do đó, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đưa vào vận hành các TBA không người trực theo đúng định hướng của EVN là đến 2020 đạt 60% TBA 220kV vận hành theo tiêu chí không người trực. Cùng với đó, EVNNPT tiếp tục mở rộng ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong quản lý vận hành đường dây. Đây sẽ là hai giải pháp đột phá để EVNNPT tăng năng suất lao động thể hiện trên thực tế là chiều dài đường dây truyền tải và số TBA tăng cao theo từng năm nhưng số lao động SXKD điện lại giảm.
PV: Xin cảm ơn ông và kính chúc EVNNPT sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra là một trong 10 đơn vị truyền tải điện đứng đầu châu Á vào năm 2025.
PV