Trong 9 tháng/2016 cả nước có 1.820 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,165 tỉ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,2 tỷ USD, bằng 86,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung trong 9 tháng/ 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 16,43 tỷ USD, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Đặc biệt, trong 9 tháng/2016 Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về số vốn đầu tư (đăng ký mới và tăng thêm) đạt 5,58 tỉ USD, tập trung ở hàng loạt dự án lớn như nhà máy LG Display Hải Phòng 1,5 tỷ USD, nhà máy LG Innotek Hải Phòng 550 triệu USD, Seoul Semiconductor Vina tại Hà Nam 300 triệu USD, Trung tâm R&D Samsung 300 triệu USD tại Hà Nội...
So với mặt bằng chung các quốc gia thu hút FDI Hàn Quốc có cùng trình độ phát triển như Indonesia, Sri Lanka, Phillipines, Thái Lan, Cambodia, Myanmar... các DN Hàn Quốc đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới Việt Nam.
Đến nay, các DN Hàn Quốc đã đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, kinh doanh bất động sản, bán lẻ, xây dựng... và nổi bật gần đây nhất là tài chính, chứng khoán.
Theo số liệu của Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc, các quỹ đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đã liên tục mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng trở lại đây. Tính riêng trong tháng 7/2016, trên cả hai sàn, khối ngoại đã thực hiện mua ròng đạt gần 72,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt hơn 1.274,8 tỷ đồng, tương đương hơn 57 triệu USD, riêng DN Hàn Quốc đã đóng góp tới khoảng 70% trong giá trị giao dịch ròng này.
Cùng với việc các quỹ đầu tư Hàn Quốc trực tiếp sang đầu tư tại Việt Nam, một quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30 của Việt Nam đã ra mắt tại thị trường Hàn Quốc với tên gọi KINDEX Vietnam VN30 ETF. Chứng chỉ quỹ này mô phỏng theo diễn biến hàng ngày của chỉ số VN30 thông qua cơ chế hoán đổi đầu tư và KINDEX Vietnam VN30 ETF đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư tại Hàn Quốc.
Như vậy, có thể thấy dòng vốn sôi động của các nhà đầu tư Hàn Quốc đổ vào Việt Nam cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp đã cho thấy sự lan tỏa, ngày càng phát triển mạnh mẽ của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam. Và điều quan trọng là vốn đầu tư của các DN Hàn Quốc hoàn toàn phù hợp với định hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn FDI. Nhiều dự án quy mô lớn của DN Hàn Quốc như Samsung, LG, Posco, Lotte, GS.... đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế xuất khẩu, phát triển dịch vụ của Việt Nam.
Thêm vào đó, việc Hàn Quốc đã viện trợ một phần vốn cho Việt Nam xây dựng Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIS), cam kết chuyển giao hơn 100 công nghệ nguồn và hỗ trợ Việt Nam xây dựng vườn ươm công nghệ tại Cần Thơ cũng đã chứng minh mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.
Nguồn Báo Công Thương điện tử