Hiện nay, Ford đang đầu tư và hợp tác với 4 công ty khởi nghiệp trong việc phát triển các phương tiện tự hành, tăng gấp đôi đội ngũ nhân lực lại thung lũng Silicon và mở rộng khuôn viên Palo Alto lên hơn 2 lần.
Chủ tịch kiêm CEO Ford Mark Fields chia sẻ: “Xu hướng của ngành công nghiệp ô tô trong một thập kỷ tới sẽ là sự tự động hóa phương tiện và chúng ta sẽ chứng kiến những tác động vô cùng lớn của các phương tiện tự hành đối với xã hội, tương tự như những gì mà các dòng xe của Ford đã làm được 100 năm trước. Chúng tôi cam kết mang đến những phương tiện tự hành có khả năng giúp nâng cao an toàn cho hành khách cũng như giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường cho hàng triệu người chứ không phải vì mục đích chơi xe sang của một vài người”.
Phương tiện tự hành vào năm 2021 là một phần trong Kế hoạch Di chuyển thông minh của Ford. Kế hoạch này sẽ giúp đưa hãng trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực phương tiện tự hành, kết nối, di động, trải nghiệm người dùng và phân tích dữ liệu.
Được xây dựng lên từ hơn một thập kỷ nghiên cứu và phát triển phương tiện tự hành, chiếc xe vận hành tự động hoàn toàn đầu tiên của Ford sẽ đạt cấp độ 4 theo thang đo của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô (SAE). Đây là chiếc xe không cần vô lăng hay bàn đạp ga, phanh. Chiếc xe được thiết kế đặc thù dành riêng cho các dịch vụ di chuyển trả phí như dịch vụ chia sẻ phương tiện, và sẽ ra được ra mắt với số lượng lớn.
“Ford đã phát triển và thử nghiệm các phương tiện tự hành trong hơn 10 năm qua và chúng tôi có những lợi thế chiến lược nhờ vào khả năng kết hợp phần mềm và công nghệ cảm ứng với các kỹ thuật tinh vi cần thiết để sản xuất ra các phương tiện chất lượng cao. Nhờ đó, chúng tôi có thể đưa phương tiện tự hành vào cuộc sống mang lại lợi ích cho hàng triệu người trên toàn thế giới”, Phó Chủ tịch Điều hành, kiêm Giám đốc kĩ thuật phụ trách mảng Phát triển sản phẩm toàn cầu Ford Raj Nair cho biết.
Năm nay, Ford sẽ tăng gấp 3 lần số lượng xe thử nghiệm để trở thành công ty ô tô sở hữu số lượng xe thử nghiệm lớn nhất, đưa con số xe sedan Fusion Hybrid tự hành tại California, Arizona và Michigan lên 30 chiếc. Hãng dự định tiếp tục tăng số lượng xe một lần nữa lên hơn 3 lần trong năm tới. Ford là hãng ô tô đầu tiên thử nghiệm phương tiện của mình tại Mcity (không gian thành phố mô phỏng của đại học Michigan). Đồng thời là hãng sản xuất ô tô đầu tiên công khai thử nghiệm phương tiện tự hành trong điều kiện tuyết rơi và là hãng xe tiên phong thử nghiệm trong điều kiện tối hoàn toàn - là một phần của quá trình phát triển công nghệ cảm biến LiDAR.
Để có thể sản xuất phương tiện tự lái vào năm 2021, Ford đã công bố 4 mảng đầu tư và hợp tác chính để phát triển các nghiên cứu và thuật toán cao cấp, lập bản đồ 3D, LiDAR, cảm biến radar và camera với các công ty Velodyne, SAIPS, Nirenberg Neuroscience LLC và Civil Maps.
Đồng thời, Ford cũng đang mở rộng hoạt động tại thung lũng Silicon, tạo ra khuôn viên tại Palo Alto với 2 tòa nhà mới tương đương 150.000 feet vuông diện tích nơi làm việc và thí nghiệm bên cạnh Trung tâm Nghiên cứu và Sáng tạo hiện có, khuôn viên sẽ không chỉ là sự mở rộng công ty về mặt diện tích mà còn nằm trong một phần kế hoạch tăng gấp đôi lượng nhân lực tại Palo Alto đến cuối năm 2017.
Ken Washington, Phó Chủ tịch Ford, phụ trách Nghiên cứu và Kỹ thuật tiên tiến, cho biết: “Sự hiện diện của chúng tôi tại thung lũng Silicon sẽ giúp đẩy nhanh kế hoạch Di chuyển thông minh của Ford, mục tiêu của chúng tôi là trở thành một phần của cộng đồng. Hiện tại, chúng tôi đang chủ động làm việc với hơn 40 công ty khởi nghiệp, và đã phát triển nhiều mối quan hệ khác nhau với các vườn ươm (incubator), cho phép công ty đẩy nhanh tiến trình phát triển các công nghệ và dịch vụ mới”.
Từ khi Trung tâm Nghiên cứu và Sáng tạo Ford tại Palo Alto được lập ra vào tháng 1 năm 2015, Trung tâm đã liên tục phát triển để trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu sản xuất ô tô lớn nhất khu vực. Hiện tại, trung tâm đang là nơi làm việc của hơn 130 nhà nghiên cứu, kĩ sư và nhà khoa học, những người đã và đang thúc đẩy sự hợp tác của Ford với cộng đồng tại thung lũng Silicon.
Nguyễn Công