Thứ Hai, 25/11/2024 00:22:26 GMT+7
Lượt xem: 3141

Tin đăng lúc 08-07-2017

Gà Việt hiện thực hóa giấc mơ xuất ngoại

Đưa sản phẩm gà Việt sang thị trường Nhật Bản trong năm 2017, tiếp tục mở rộng thị trường sang một số nước châu Á, châu Âu là một trong những mục tiêu đặt ra tại Đề án Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu (XK) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Gà Việt hiện thực hóa giấc mơ xuất ngoại
Ảnh minh họa

Gà Việt sắp có mặt trên đất Nhật

 

Trong lúc ngành chăn nuôi đang gặp khó do nguồn cung đang vượt cầu, dẫn đến giá gia súc, gia cầm có thời điểm giảm sâu thì tin vui đến với ngành chăn nuôi Việt Nam đó là việc Nhật Bản đã chính thức đồng ý nhập khẩu (NK) thịt gà của Việt Nam. Dự kiến, lô sản phẩm chế biến từ ức gà đầu tiên sẽ XK sang thị trường này với số lượng 300 tấn vào tháng 7. Đây là lần đầu tiên thịt gà Việt Nam được XK chính ngạch.

 

Theo ông Nguyễn Văn Quyền- Công ty TNHH Koyu & Unitek, việc XK sản phẩm thịt gà vào thị trường khó tính như Nhật Bản cần hoàn thiện nhiều khâu thủ tục vì đòi hỏi của Nhật Bản rất cao về chất lượng và quy trình kiểm soát chặt chẽ. “Chúng tôi đã thực hiện đề xuất và đàm phán các khâu thủ tục để XK sang Nhật Bản trong vòng gần hai năm, đến nay mới chính thức XK được lô hàng đầu tiên"- ông Nguyễn Văn Quyền cho hay.

 

Ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, hiện nay hầu hết các nước NK đều có quy chuẩn riêng của mình. Do đó, ​DN Việt Nam phải đáp ứng được những quy chuẩn kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn vùng nuôi của nước NK. Cũng theo ông Hoàng Thanh Vân, hiện nay, mới có hai công ty đăng ký XK sản phẩm thịt gà đã qua chế biến nhiệt sang Nhật Bản là Công ty TNHH Koyu & Unitek đăng ký năm 2016 và Công ty TNHH CP Việt Nam đăng ký vào cuối tháng 5/2017.

 

Mới đây nhất, với sự hỗ trợ của Chính phủ Cộng hòa Slovakia và Bộ NN&PTNT, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, vừa khởi động Dự án An toàn thực phẩm kéo dài 3 năm tại Việt Nam. Dự án hỗ trợ các công ty nông nghiệp cải thiện an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tiếp cận các thị trường XK. Ngay khi triển khai, Bel Gà là công ty đầu tiên tham gia dự án. IFC cho biết, sẽ giúp 54 nhà nuôi gà thuộc ba trang trại gia cầm độc lập trong chuỗi khách hàng của Bel Gà thực hiện chứng nhận GLOBALG.A.P. Việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế là bước chuẩn bị đầu tiên để đưa thịt gà Việt Nam XK.

 

Đẩy mạnh phát triển theo chuỗi

 

Theo ông Hoàng Thanh Vân, mặc dù sản phẩm của ngành chăn nuôi Việt luôn được đánh giá là ngon, hấp dẫn và thừa tiềm năng xuất khẩu nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa tận dụng được lợi thế này. Số nước XK chính ngạch của sản phẩm chăn nuôi chỉ đếm "trên đầu ngón tay", dẫn tới không ít cuộc "khủng hoảng thừa" đã liên tục bủa vây ngành này trong nhiều năm. Trở ngại lớn nhất để gà Việt cũng như các sản phẩm chăn nuôi khác vươn tới thị trường quốc tế là chúng ta vẫn chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Một số loại bệnh dịch nguy hiểm trên gia cầm (cúm gia cầm, Newcastle,...) vẫn xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ...

 

Trước thực tế đó, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y - cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để XK.

 

Mục tiêu cụ thể của đề án đối với sản phẩm thịt gà là ngay trong năm 2017 sẽ hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín XK đi thị trường Nhật Bản cho Công ty Koyu & Unitek và một số công ty khác. Từ năm 2018 sẽ mở rộng XK sang thị trường một số nước châu Á, châu Âu. Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ tiến hành rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các DN có nguồn lực tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật khép kín đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước NK.

 

Rà soát lại Đề án Thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới đạt yêu cầu XK tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh (cúm gia cầm, Newcastle) đối với thịt gà, trứng gia cầm XK theo chuỗi sản xuất khép kín nhằm đáp ứng yêu cầu của nước NK hoặc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE)…

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi: Khơi thông và mở rộng thị trường XK sản phẩm chăn nuôi là hướng đi tất yếu. Đã đến lúc cần có chiến lược bài bản XK của ngành chăn nuôi: từ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, định hướng thị trường, xúc tiến thương mại

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang