Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các sản phẩm nằm trong diện điều tra thuộc các mã AHTN Code 6907.2123, 6907.2124, 6907.2193, 6907.2194, 6907.2213, 6907.2214, 6907.2293, 6907.2294, 6907.2313, 6907.2314, 6907.2393, 6907.2394 và 6907.4092 (được phân loại theo hệ thống hài hòa hải quan ASEAN).
Nguyên đơn trong vụ việc này là Công ty Mariwasa Siam Ceramics, Inc. (MSC), chiếm 86% tổng lượng sản xuất sản phẩm bị điều tra của ngành sản xuất Philippines.
Theo báo cáo của DTI, nhập khẩu gạch ốp lát vào Philippines tăng đột biến từ hơn 6.000 tấn năm 2013 lên đến hơn 1 triệu tấn năm 2016, gần 1 triệu tấn năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 là hơn 400.000 tấn. Ba nước có lượng nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm bị điều tra vào Philippines tính đến thời điểm năm 2017 gồm: Trung Quốc (chiếm 85,25% thị phần nhập khẩu), Indonesia (6,84%) và Việt Nam (3,2%).
Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đáng kể nhất từ 229 tấn (chỉ chiếm 3,76% thị phần nhập khẩu) năm 2013 lên đến gần 800.000 tấn (chiếm 85,25% thị phần nhập khẩu) năm 2017. Về phía Việt Nam, mặc dù khối lượng nhập khẩu cũng tăng lên đáng kể từ gần 3.000 tấn lên gần 30.000 tấn nhưng thị phần nhập khẩu lại giảm từ 48,22% (năm 2013) xuống 3,2% (năm 2017) và 3,32% (6 tháng đầu năm 2018).
Báo cáo cũng cho biết thị phần của 4 nhà sản xuất trong nước đã giảm đáng kể từ 96% năm 2013 xuống còn 14% năm 2017, 2/4 nhà sản xuất gạch nội địa đã đóng cửa, tuy nhiên sản lượng gạch sản xuất nội địa hầu như không có thay đổi trong cả giai đoạn 2013-2017.
Để đảm bảo quyền lợi, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Philippines chuẩn bị các nguồn lực và chủ động tham gia, hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin cho DTI trong quá trình điều tra.
Nguồn Thời báo Kinh doanh