Mơ được trồng nhiều ở miền Bắc nhất là khu vực vùng núi thuộc quần thể Chùa Hương (Mỹ Đức – Hà Nội). Mơ khi chín màu vàng, mùi thơm dịu và có vị chua. Mơ được dùng để ngâm với đường làm nước giải khát hoặc làm ô mai, thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mơ xanh có vị chát, chua còn được nhiều người nhất là phụ nữ Hà thành mua về dầm muối ớt ăn chơi. Hơn nữa, nhiều người cũng cho biết, mơ xanh ngâm đường dùng để giải nhiệt cũng có những vị riêng, khác biệt so với mơ chín. Không những thế, mơ xanh còn được nhiều người mua về để ngâm rượu mơ giống như rượu mơ Nhật Bản. Vậy nên hàng năm, cứ độ ra Giêng, những trái mơ xanh đầu mùa thường có giá khá cao lên đến 100.000 đồng một kg và hút khách hàng tại Hà Nội.
Tại đường Xã Đàn, mơ xanh được nhiều người bán hàng rong bán với giá 80.000 đồng/kg, mỗi ngày những người bán mơ xanh tại đây cũng bán được khoảng 70 - 100kg. Chị Thúy Hà , một người bán hàng cho biết, khách hàng mua mơ chủ yếu là phụ nữ công sở, đặc biệt là những bà bầu. Mỗi khách mua chừng 0,3 – 0,5kg, rất hiếm khách hàng mua cả 1kg bởi vì mơ giá đắt.
“Bao giờ cũng thế, mơ xanh có giá đắt hơn mơ chín rất nhiều. Nhiều khi, giá mơ xanh cao gấp đôi so với mơ chín. Mơ tôi nhập tại Hương Sơn (Mỹ Đức – Hà Nội). Giá mơ xanh mua tại vườn cũng khá cao hơn 50.000 đồng một kg”, chị Thúy Hà cho biết.
Khu phố cổ là địa bàn mà nhiều người bán hàng rong bán mơ xanh nhất. Tại đây, mơ xanh được bán với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Thảo bán mơ xanh tại những con phố từ 6 giờ sáng và đến khoảng 4 giờ chiều. Chị Thảo cho biết, mỗi chuyến mơ cũng lãi được khoảng hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, mùa mơ xanh chỉ có chừng nửa tháng là hết không có nhiều. Khách hàng mua về ngâm rượu thì mua từ 3 – 5kg còn lại chủ yếu là khách mua lẻ kèm với muối ớt để về dầm ăn chơi.
“Đầu tháng Tư thì bắt đầu có mơ chín. Mơ chín có giá rẻ hơn, khoảng 40.000 – 60.000 đồng/kg nếu là đầu mùa. Giữa mùa khoảng 30.000 đồng/kg. Mơ chín chủ yếu mọi người ngâm nước uống. Còn mơ xanh thì là ăn sống, chấm muối tôm hoặc làm ô mai mơ. Tuy nhiên, mơ xanh cũng phải chọn những quả không quá non. VÌ quả non thường đắng, chát và có lớp lông dày”, chị Thảo nói
Mơ xanh không chỉ được bán tại các xe hàng rong, cửa hàng trên phố mà còn là mặt hàng được bán nhiều trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trên mạng xã hội gần như mỗi người bán một mức giá khác nhau. Có người bán hơn 100.000 đồng một kg nhưng cũng có người bán chỉ khoảng 70.000 đồng một kg.
Chị Hoàng Thị Nhiên, một người bán mơ trên chợ online Facebook cho biết, mơ xanh là loại loại quả chua, chát và đắt đỏ hơn cả trái cây nhập khẩu. Tuy nhiên lại được khá đông đảo phụ nữ yêu thích nhất là những người có sở thích ăn chua hoặc bị nghiện món mơ xanh dầm muối ớt.
“Tôi bán mơ xanh trên một vài hội, nhóm Facebook và nhận được sự quan tâm của khá nhiều người. Mọi người thường mua chủ yếu để dầm muối ớt ăn. Một số người mua nhiều về làm rượu mơ. Theo nhiều người cho biết, mơ xanh ngâm rượu mơ theo cách người Nhật hay làm rất tốt cho sức khỏe. Thú thực tôi cũng chỉ bán mơ thôi chứ chưa bao giờ ngâm rượu mơ với mơ xanh nên cũng không biết”, chị Nhiên nói.
Theo chị Nguyễn Thị Lan (Hồ Tùng Mậu – Hà Nội) thì trước đây chị từng sinh sống ở Nhật Bản. Tại đây, người dân Nhật Bản có công thức ngâm mơ xanh với rượu khá độc đáo.
Theo chị Lan, người Nhật thường sử dụng quả mơ còn xanh để ngâm rượu với tên gọi Umeshu. Mơ chọn quả lành, không dập, không ủng. Ngâm nước lã trong vòng khoảng 1h đồng hồ rồi rửa sạch, loại bỏ hoàn toàn những quả thối, hỏng. Mơ có phần núm bẩn nên người dùng chỉ cần dùng 1 vật nhọt – đơn giản như dùng tăm tre là dễ nhất để cậy nhẹ cho núm này sẽ bật ra. Sau khi rửa sạch, loại bỏ phần núm. Để mơ khô ráo hoàn toàn nước. Sau đó, xếp mơ và đường vào bình hoặc hũ thủy tinh sạch. Xếp 1 lớp mơ, 1 lớp đường phèn. Cuối cùng đổ rượu vào sao cho ngập mơ và đậy kín.
“Rượu mơ Umeshu ngâm sau 8 tháng uống rất ngon, nó giống như rượu vang, rượu khai vị hơn. Mùi thơm, chua chua, ngọt ngọt rất dễ uống. Có thể dùng 1 chén nhỏ trong bữa cơm, hoặc cho chút đá vào ly, ngồi nhấm nháp thì rất thú vị”, chị Lan nhấn mạnh.
Nguồn VietQ