Thứ Sáu, 22/11/2024 15:20:04 GMT+7
Lượt xem: 3909

Tin đăng lúc 03-10-2016

Gạo, thép “trục trặc” khi vào thị trường Mỹ

Gạo, thép đang đứng trước “cánh cửa hẹp” để tiếp tục vào thị trường Mỹ do đối mặt các vụ kiện chống bán phá giá (với thép) và có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép (với mặt hàng gạo). Nguy cơ kiện cáo, những rào cản thương mại ở thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là chuyện không mới, nhưng đó cũng chính là “phép thử” nếu doanh nghiệp Việt muốn mở rộng thị phần ở đây.
Gạo, thép “trục trặc” khi vào thị trường Mỹ
Một trong các thách thức để các DNViệt Nam kết nối vào thị trường Mỹ là việc trở thành nhà cung ứng "đạt chuẩn".

Liên tiếp cuối tháng 9/2016 đã nhận những thông tin không tốt lành từ phía Mỹ với hai mặt hàng này. Một số doanh nghiệp (DN) sản xuất thép tại Mỹ nộp đơn kiện đối với thép chống ăn mòn (thép mạ) nhập khẩu từ Việt Nam với cáo buộc sản phẩm thép của Trung Quốc được xuất khẩu sang Việt Nam sau đó chuyển sang Mỹ để né thuế chống bán phá giá.

 

Với gạo, nhiều lô hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mới đây đã bị trả về vì một số dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức giới hạn cho phép của nước này.

 

Nguy cơ “cấm cửa”?

 

Theo thống kê của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có tổng số 16 DN xuất khẩu gạo Việt Nam bán sang thị trường này bị trả về với tổng số 412 container, tương ứng hơn 8.200 tấn gạo bị trả về.

 

Trước tình trạng gạo bị trả về, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát ra cảnh báo và quyết định tạm dừng, không cho xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ để có biện pháp xử lý thích hợp. Bởi vì nếu tiếp tục xuất khẩu với tình trạng bị trả về thì có thể Mỹ sẽ “cấm cửa” luôn.

 

Với xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ, rõ ràng không thể không lưu ý khi công tác bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều vấn đề, nhất là ở Mỹ, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất ngặt nghèo so với các thị trường nhập khẩu khác.

 

Trong khi đó, việc sử dụng thuốc BVTV trong trồng lúa vẫn là điều đáng lo khi hàng năm, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sử dụng trên 100.000 tấn thuốc BVTV. Ngay như phân bón cũng sử dụng dư thừa, lãng phí, toàn vùng sử dụng trên 2 triệu tấn phân đạm/năm, nhưng theo các nhà khoa học, tỷ lệ hữu ích bón phân chỉ khoảng 40-50%.

 

Theo Ts Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thất thoát do bốc hơi, rửa trôi khoảng trên 1 triệu tấn/năm… đã làm cho chi phí sản suất cao, giảm thu nhập người trồng lúa, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến xuất khẩu. Việc lạm dụng phân bón và thuốc BVTV làm ảnh hưởng chất lượng lúa gạo và gây ô nhiễm môi trường.

 

Còn với thép, lý do mà các DN Mỹ khởi kiện là vì có hiện tượng chuyển thép từ Trung Quốc sang Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ để né thuế. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, theo phía nguyên đơn, sau khi Mỹ ban hành lệnh áp thuế, lượng xuất khẩu của Trung Quốc đối với sản phẩm này sang Mỹ giảm đi rõ rệt, tuy nhiên lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng đột biến.

 

Điều này không phải là không có cớ khi lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm 2016 đến nay vẫn tăng mạnh. Riêng 8 tháng đầu 2016, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc đã đạt đến 7,3 triệu tấn, tăng 22,1% so cùng kỳ năm ngoái.

 

Phép thử thị trường lớn

 

Vấn đề đặt ra, theo Cục Quản lý cạnh tranh, liệu sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam có cùng loại với sản phẩm của Trung Quốc đang bị áp thuế hay không?

 

Trước khi nhập khẩu vào Mỹ, sản phẩm thép mạ có được gia công từ sản phẩm Trung Quốc hay không? Quá trình hoàn thiện thép mạ tại Việt Nam có phải là nhỏ hoặc không đáng kể hay không?

 

Giới chuyên gia lưu ý, vốn dĩ lâu nay Mỹ là thị trường xuất khẩu đứng đầu của Việt Nam nhưng thách thức cũng không nhỏ khi tính bảo hộ cho sản xuất trong nước của Mỹ rất cao.

 

Những rào cản thương mại, kỹ thuật, kể cả tiêu chuẩn lao động và môi trường của Mỹ ngày càng khắt khe và hễ thấy có dấu hiệu làm nguy hại tới sản xuất trong nước, lập tức họ sẽ bổ sung những quy định mới, điều luật mới để chống đối phó. Cho nên, các DN Việt Nam sẽ phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị kiện cáo.

 

Hai mặt hàng gạo, thép cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như dệt may, giày dép, nhóm nông lâm thuỷ sản cũng không thoát khỏi những rào cản ngày càng dày đặc này.

 

Đây không chỉ là nỗi lo hiện tại mà còn lo cho cả trong tương lai khi TPP có hiệu lực. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam không thể để hàng Trung Quốc nấp dưới danh nghĩa hàng Việt Nam để lợi dụng đưa sản phẩm của họ vào thị trường Mỹ mà trường hợp khởi kiện đối với thép chống ăn mòn là một thí dụ.

 

Nói như ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) tại Tp.HCM, một trong các thách thức để các DN Việt Nam kết nối vào thị trường Mỹ cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu chính là việc trở thành nhà cung ứng “đạt chuẩn” cho các công ty Mỹ. Điều đó đòi hỏi các DN phải có những thử nghiệm và chứng nhận về chất lượng, an toàn, về lao động và môi trường cũng như tính bền vững.

 

Rõ ràng, để ít nhất là giữ vững hoặc gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ, các DN còn rất nhiều việc phải làm. Và chuyện những “hàng rào” với xuất khẩu thép hay gạo là “phép thử” đòi hỏi các DN Việt phải biết cách để vượt qua.

 

Theo Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang