Bảng niêm yết giá gạo xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong khi giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan hôm nay giảm 4 USD/tấn, nhưng giá gạo 5% tấm Việt Nam vẫn tiếp tục trụ lại ở mức cao, bán ra ở mức 478 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 48 USD/tấn (gạo Thái Lan bán ra ở mức 430 USD/tấn).
Gạo 25% tấm của Thái Lan bán ra ở mức 413 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn; gạo 100 tấm của Thái Lan có giá 378 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn. Như vậy, so với gạo cùng loại của Thái Lan, gạo Việt Nam “được giá” hơn khoảng 48 USD (gạo 5% tấm); 45 USD (gạo 25% tấm) và 35 USD/tấn (gạo 100% tấm).
Trong tuần qua, giá gạo Ấn Độ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 trở lại đây, do đồng rupee mất giá. Ngày 22.6, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ bán ra ở mức 388 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá 358 USD/tấn; gạo 100% tấm giá 378 USD/tấn. Đặc biệt, gạo 100% tấm của Ấn Độ có giá thấp hơn của Việt Nam tới 140 USD/tấn.
Các thương nhân cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất rất có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng lúa. Nhưng về mặt lâu dài sẽ gây bất lợi trong việc cạnh tranh với các quốc gia cùng xuất khẩu gạo, đặc biệt là gạo Ấn Độ có giá thấp hơn hẳn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gạo từ Philippines đang là đối tác của các doanh nghiệp Việt Nam, đang có xu hướng chuyển sang mua gạo Ấn Độ bởi mức giá hấp dẫn hơn.
Hiện tại, giá gạo của Pakistan, Thái Lan… cũng đang khá hấp dẫn các nhà nhập khẩu từ Philippines.
Tại Thái Lan, nguồn cung tăng khiến giá gạo tại quốc gia này đã giảm mạnh trong 2 tuần trở lại đây, cũng gây áp lực lên giá gạo Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Công Thương khuyến nghị người trồng lúa cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ, đặc biệt là áp dụng máy móc trong thu hoạch, bảo quản để hạ giá thành.
Mặt khác, logistics đang là “nút thắt” đẩy giá thành lúa gạo của Việt Nam lên cao, cần tích cực tháo gỡ.
Theo Lao động