Thứ Năm, 21/11/2024 20:11:19 GMT+7
Lượt xem: 7776

Tin đăng lúc 30-04-2014

Gặp lại “Viên ngọc quý” thành Đông

Cũng đã hơn 4 năm rồi, tôi mới có dịp gặp lại ông – người mà cán bộ, công nhân viên ngành Điện gắn cho ông cái biệt danh trìu mến “Viên ngọc quý” Thành Đông để ghi nhận công lao đóng góp của Thạc sĩ, kỹ sư, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương Nguyễn Trọng Hữu đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hải Dương và đất nước.
Gặp lại  “Viên ngọc quý” thành Đông

                                            Ông Nguyễn Trọng Hữu tại Lễ tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008

 

Gặp nhau trong căn phòng ấy, vẫn cái giọng thủ thỉ ấy, Nguyễn Trọng Hữu nói, nhưng tay vẫn thoăn thoắt ký các công văn, tài liệu mà các cộng sự của ông trình lên.  Rảnh được phút nào, ông lại quay ra tâm sự với tôi. Trong câu chuyện, ông đề cập đến nhiều chuyện, mà chỉ xoay quanh chủ đề quản lý; tiết kiệm; chống lãng phí; quan điểm xử lý của lãnh đạo về các vấn đề… Tôi hỏi: tình hình sản xuất kinh doanh mấy năm nay ra sao rồi? Giám đốc Hữu không muốn nói cụ thể về kết quả sản lượng, doanh thu, mà ông khái quát mang tính tổng thể: Cái được lớn nhất chính là từ khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình Công ty TNHH một thành viên, Công ty chủ động được mọi hoạt động, từ định hướng chiến lược sản xuẩt kinh doanh, đầu tư phát triển lưới điện, đến mọi lĩnh vực khác…, trong đó mục tiêu cuối cùng là đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, qua đó, cải thiện môi trường làm việc và nâng cao đời sống, tinh thần cho CBCNV trong Công ty, được ngành Điện và địa phương đánh giá cao.  

 

Càng nghe trao đổi, chúng tôi như bị cuốn hút bởi cái giọng nói mộc mạc, cách thể hiện đến thật thà của người đứng đầu ngành Điện lực Hải Dương. Ông kể, những năm đầu chuyển đổi sang mô hình mới, hạch toán độc lập, khó khăn bộn bề. Áp lực về con người, về vốn, về lưới điện…, nói chung là như một gánh nặng đè nên vai người đứng đầu. Với kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn, ông đã cùng tập thể lãnh đạo nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy, sắp xếp lại lao động; định hướng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; rồi lo cả công tác đào tạo, giáo dục ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ khách hàng của CBCNV; triệt để tiết kiệm chi phí, tiết kiệm điện, tiết kiệm vật tư, nhất là vật tư thu hồi… Biết giai đoạn mới thành lập sẽ vô cùng khó khăn, Nguyễn Trọng Hữu đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị phải chắt chiu từng con bu lông, ốc vít, từng cân dây cáp thu hồi, tiết kiệm từng đồng mua sắm để phục vụ các công việc cấp bách. Có lẽ vì thế mà trong anh em Điện lực vẫn hay nhắc về chuyện mấy năm trước, Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn chỉ mua thiết bị đo đếm điện năng của Công ty Thiết bị đo điện – EMIC, không nhập của nước ngoài, hoặc phải mua dụng cụ BHLĐ như găng tay, dây da an toàn, mũ bảo hộ, sào cách điện… tại Công ty Vật liệu cách điện - Vicadi, vừa bền, vừa rẻ và cũng chưa có ai bị tai nạn do dùng sản phẩm của ta sản xuất, tiết kiệm tiền của cho Công ty.

 

Dừng một lúc, ông Hữu quay sang tôi: Nói gì thì nói, bất cứ ngành nào, sản xuất kinh doanh có lợi nhuận đến đâu, phát triển đến mấy, thì lợi ích của nhân dân, của khách hàng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Rồi giọng ông bỗng chùng xuống, chia sẻ: Mình sinh ra và lớn lên từ nông thôn, giờ ở thành phố, có được chứng kiến cuộc sống của bà con mới thấy người dân quê một nắng hai sương, thiếu thốn khó khăn nhiều lắm. Đảm bảo đủ điện với chất lượng cao, giá thành hợp lý là trách nhiệm của mỗi CBCNV. Muốn vậy, ngành Điện phải tăng cường các giải pháp quản lý kỹ thuật, nâng cao chất lượng điện áp (đặc biệt là khu vực nông thôn); hạ tỷ lệ tổn thất truyền tải và thương mại; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; xây dựng văn hóa doanh nghiệp… Trong đó, mục tiêu đảm bảo đủ điện cho nhân dân luôn được ông Hữu đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy mà từ khi chuyển đổi mô hình sang Công ty TNHH một thành viên, sản lượng điện thương phẩm luôn tăng trưởng ở mức cao (14 - 15,8%), riêng năm 2013, dự kiến chỉ tiêu điện thương phẩm đạt trên 3 tỷ kWh (tăng gấp 2 lần so với năm 2009), giảm chỉ tiêu tổn thất xuống còn 6,1% (tính cả điện nông thôn); tổng doanh thu đạt trên 4.000 tỷ đồng.

 

 Nhân nói về tổn thất điện, tôi hỏi: Trước đây, Nguyễn Trọng Hữu đã từng được mệnh danh là “Dũng sĩ chống tổn thất điện”, vậy bây giờ thì sao, liệu Hải Dương có là điểm nóng và còn nhiều đối tượng lấy cắp điện nữa không? Ông bảo: Còn tinh vi hơn trước. Vì mới đây, Hải Dương là địa phương đầu tiên của ngành Điện và cả nước đề nghị đưa ra xét xử công khai vụ án lấy cắp điện có hệ thống và quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với số lượng 22 đối tượng vi phạm. Trong “cuộc chiến” được coi là “trường kỳ” này, nếu không kiên trì, bền bỉ, chỉ cần lơi lỏng là thiệt hại vô cùng lớn. Giám đốc Hữu cho rằng, việc trấn áp các vụ vi phạm trong sử dụng điện không chỉ đơn thuần là ngăn ngừa thiệt hại về kinh tế, mà chính là lập lại trật tự trong mua bán điện, tuyên truyền, giáo dục nhận thức và quan trọng hơn đó là tạo sự công bằng cho khách hàng dùng điện.

 

Không chỉ chăm lo xây dựng, phát triển đơn vị một cách bền vững, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương Nguyễn Trọng Hữu cũng là người đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ông đã tham gia nhiều khóa Hội đồng nhân dân tỉnh và hiện đang là Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương. Đem câu chuyện cách đây không lâu, tôi và nhóm phóng viên của Tạp chí về làm việc với một cơ quan chuyên ngành của tỉnh về công tác đào tạo, hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, được nghe cán bộ ở đây phàn nàn về việc thiếu kinh phí hoạt động, đề án trình lên nhưng không được tỉnh thông qua, phê duyệt. Ông Hữu thẳng thắn: Nói thế là thiếu trách nhiệm. Muốn sử dụng kinh phí từ ngân sách, muốn tỉnh chi tiền vào mục đích gì, nội dung gì thì đề án của anh lập phải thực sự thuyết phục, chứ không thể duyệt chi một cách cảm tính, vì ngân sách là tiền của dân đóng góp, không thể chi một cách tùy tiện được…

 

Mặc dù đã có lịch làm việc với phóng viên, nhưng trong một buổi chiều cuối năm, với bộn bệ công việc, người ra, người vào, thỉnh thị, ký tá tất bật, câu chuyện giữa chúng tôi với Giám đốc Hữu cứ thường xuyên đứt quãng và chúng tôi tạm chia tay ông.

 

Trong cuộc đời làm báo của mình, được đi nhiều, tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi thấy mình có thêm những trải nghiệm và đọng lại nhiều kỷ niệm nhất chính là những người thợ điện. Có lẽ, trong số hàng chục vạn lao động ngành Điện Việt Nam, không thiếu những hình mẫu về CBCNV hết lòng vì dòng điện của Tổ quốc, vì cuộc sống phồn thịnh của nhân dân, nhưng để có được một cán bộ bền bỉ phấn đấu, tận tâm, trách nhiệm với đơn vị, với địa phương, được Chính phủ hai lần phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 2000 và 2010), Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và nhiều Bằng khen của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; được tôn vinh là Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008;… như Thạc sĩ, kỹ sư Nguyễn Trọng Hữu - Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương thật không nhiều. Ông xứng đáng là danh hiệu “Viên ngọc quý” mà mọi người dành tặng.

                                                                              Nguyễn Đừng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang