Cũng theo đánh giá của Tổng Cục Thống kê, công nghiệp và xây dựng là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2015 và đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, khu vực này tăng trưởng 9,64%, cao hơn mức tăng 6,42% của năm 2014 và đóng góp 3,20 điểm phần trăm vào GDP. Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, thấp hơn mức tăng 3,44 của năm 2014 và chỉ đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4.192,9 nghỉn tỷ đồng, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội ngày 26/12, ông Lâm cho rằng các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,63%, thấp nhất trong hơn 10 năm qua, xuất nhập khẩu tăng mạnh, trong đó xuất khẩu tăng 8,1% và nhập khẩu tăng 12%, tình hình hoạt động của doanh nghiệp có nhiều tiến triển tích cực, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh cả về số lượng và quy mô chứng tỏ môi trường kinh doanh đã dần được cải thiện.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014 và bằng 32,6% GDP. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 519,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 38% tổng vốn và tăng 6,7%; vốn khu vực ngoài nhà nước 529,6 nghỉn tỷ đồng, chiếm 38,7% và tăng 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 318,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,3% và tăng 19,9% GDP. Năm 2015, cả nước có 227,5 nghìn hộ thiếu đói, giảm 27,8% so với năm 2014, tương ứng với 944 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 29,6%... cho thấy nền kinh tế- xã hội đã phục hồi rõ nét.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhấn mạnh, năm 2016 bên cạnh những thuận lợi nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới biến động mạnh. Đặc biệt, năm 2016 Chính phủ sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện để dần theo giá thị trường nên sẽ tác động đến kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Giá dịch vụ tăng sẽ làm người dân phải chi phí nhiều hơn cho tiền khám chữa bệnh, tiền cho con cái học hành nên sẽ không còn tiền để chi tiêu mua sắm làm tăng tổng cầu… vì thế mục tiêu tăng trưởng 6,7 trong năm 2016 và lạm phát dưới 5% là không phải đơn giản, đòi hỏi phải có sự tính toán hợp lý.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử