Cụ thể, ngành Công nghiệp và Xây dựng chỉ tăng +4.17%, thấp nhất 19 quý do tất cả các ngành chính đều sụt giảm. Ngành Dịch vụ tăng +6.52% (cùng kỳ tăng +6.13%) và ngành Nông nghiệp lâm nghiệp thủy sản có cải thiện với tăng trưởng +2.03% trong khi cùng kỳ giảm -1.23%.
Theo báo cáo quý 1 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), công nghiệp sụt giảm không chỉ do Khai khoáng mà cả Chế biến chế tạo và Sản xuất phân phối điện cũng tăng trưởng chậm lại. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng +8.3%, mức thấp nhất 4 quý còn Sản xuất phân phối điện chỉ tăng +9.5%, mức thấp nhất 12 quý. Trong ngành chế biến chế tạo, một số ngành giảm tốc là Chế biến thực phẩm, Sản xuất đồ uống, Đồ Da, Dược phẩm và Dệt. Chỉ số công nghiệp ngành Dệt năm 2016 tăng +16.9%, đứng thứ 2 trong các ngành thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo nhưng sang quý 1/2017 đà tăng của ngành Dệt đã chậm lại, +11.4% (cùng kỳ tăng +12%).
Cũng theo báo cáo, ngành Khai khoáng giảm sút ở mức kỷ lục, -10% với chỉ số công nghiệp ngành khai thác dầu khí giảm -13.6% (cùng kỳ giảm - 1.9%), chỉ số công nghiệp ngành khai thác than giảm -5.5% (cùng kỳ tăng +0.9%). Điều khó hiểu ở đây là xuất khẩu dầu thô trong quý 1 tuy giảm -15.2% về lượng nhưng tăng +30% về giá trị trong khi xuất khẩu than tăng 6 lần về lượng và 13 lần về giá trị nhờ giá hàng hóa tăng.
Cùng với đó, ngành Xây dựng cũng có tăng trưởng thấp nhất 8 quý với mức tăng +6.1% do xây dựng thuộc khối tư nhân tăng chậm lại. Khối tư nhân chiếm tới 90% tổng giá trị xây dựng và trong quý 1 khối này chỉ tăng +7.1%, thấp nhất 7 quý. Chia theo lĩnh vực xây dựng, trong khi tăng trưởng xây dựng nhà để ở vẫn ổn định với mức tăng +10.7% thì tăng trưởng ở lĩnh vực công trình kỹ thuật dân dụng giảm mạnh xuống, +3% (cả năm 2016 tăng +13.1%).
Trong quý 1, lĩnh vực Dịch vụ có mức tăng cao nhất 6 năm nhờ các cấu thành chính duy trì mức tăng trưởng cao. Lĩnh vực Bán buôn, bán lẻ tăng +7.38% (cùng kỳ tăng +7.52%), Tài chính ngân hàng tăng +7.76% (cùng kỳ tăng +6%) và Lưu trú ăn uống tăng +6% (cùng kỳ tăng +4.75%). Doanh thu Lưu trú ăn uống có sự cải thiện vượt bậc trong tháng 3 với mức tăng +18% YoY trong khi 2 tháng chỉ tăng +4.2% YoY. Những tỉnh có mức tăng doanh thu Lưu trú ăn uống cao là Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình dương và Hải phòng, đây không phải là những địa danh du lịch quen thuộc của khách quốc tế.
Tương tự, nông nghiệp quay lại mức tăng trưởng dương +1.38% dựa trên nền tảng thấp của năm 2016 tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với trung bình các năm 2010-2015 (+2.3%). Diện tích gieo cấy vụ đông xuân tính đến trung tuần tháng 3 tăng +0.6% YoY (cùng kỳ giảm -1.2%) nhưng năng suất thu hoạch tại ĐBSCL lại giảm -0.9%. Trong lĩnh vực thủy sản, đáng chú ý ngành nuôi tôm đang có nhiều thuận lợi nhờ giá tôm tăng. Sản lượng tôm nuôi trồng quý 1 đạt 97.8 nghìn tấn, tăng +6.9%.
Nguồn Enternews