Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.700 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.700 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.700 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.700 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm quay đầu tăng sau 3 phiên giảm liên tiếp đầu năm mới, tăng trung bình 300 - 400 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2022 tăng 9 USD/tấn ở mức 2.316 USD/tấn, giao tháng 5/2022 tăng 11 USD/tấn ở mức 2.266 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 tăng 6,75 cent/lb ở mức 238,45 cent/lb, giao tháng 5/2022 tăng 6,45 cent/lb ở mức 238,3 cent/lb.
Giá cà phê thế giới đồng loạt tăng trở lại, nguyên nhân do lượng tồn kho trên cả 2 sàn đã xuống mức thấp, sau khi giới đầu cơ bán mạnh từ đầu năm. Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD giảm mạnh phiên cuối tuần giúp các mặt hàng nông sản tăng trở lại, trong đó có cà phê.
Theo báo cáo hồi tháng 12/2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê của Việt Nam mùa vụ 2021 - 2022 dự báo đạt khoảng 31,1 triệu bao, tương ứng tăng 7,2% so với mức 29 triệu bao của mùa vụ trước.
Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil, đồng thời là quốc gia sản xuất cà phê Robusta (cà phê vối) lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 680.000ha, và sản lượng trên dưới 30 triệu bao mỗi năm.
Về xuất khẩu, Việt Nam cũng đứng thứ hai thế giới sau Brazil, và là thị trường tiêu thụ cà phê lớn trong top 10 thế giới. Mùa vụ 2021 - 2022 hiện tại, nông dân trồng cà phê tương đối phấn khởi khi ngành cà phê có thể xem như vừa được mùa, vừa được giá. Tuy nhiên, thị trường nội địa đang giao dịch nhỏ giọt, vẫn chưa thể hiện sự sôi động như các năm trước. Theo các đại lý thu mua ở địa phương, nông dân trồng cà phê tỏ ra không mặn mà bán ra khi bị áp giá trừ lùi ở mức “quá cao”. Giá của Việt Nam phải trừ lùi tới 450 - 500 USD/tấn. Lịch sử ngành cà phê Việt Nam chưa bao giờ phải trừ lùi nhiều như thế. Trong khi đó, giá cà phê của Brazil là giá cộng.
Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định, nguyên nhân tăng giá mạnh mẽ của cà phê đến từ các yếu tố gây nên việc gián đoạn nguồn cung như: Dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại Brazil từ cuối năm 2020 kéo dài đến giữa năm 2021, tiếp theo đến lượt dịch bệnh Covid-19 diễn ra tại Việt Nam từ giữa năm 2021 đến nay, chi phí vận chuyển tăng do giá cước tàu biển tăng mạnh kèm theo việc thiếu hụt container chở hàng trên phạm vi toàn cầu.
Theo Kinhtedothi.vn