Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, giá nguyên liệu cá tra tiếp tục trở thành “cơn sốt” trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khi lập đỉnh mới, trung bình ở mức 28.000-30.000 đồng, có nơi được đẩy lên đến 32.500 đồng một kg. Riêng giá cá tra giống cũng đã tăng gấp 2-3 lần, dao động từ 70.000 đến 80.000 đồng một kg tùy loại.
Theo Vasep, đến cuối tháng 4, giá cá tra nguyên liệu loại 1 đã lên mức 33.500 đồng một kg - mức tăng cao kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, tại một số thị trường nhập lớn ở châu Mỹ, giá cá tra trung bình xuất khẩu tăng đột biến khiến khách hàng khó chấp nhận và bị cạnh tranh gay gắt hơn các sản phẩm cá thịt trắng.
Đặc biệt, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá cao kỷ lục và EU đang giơ thẻ vàng đối với Việt Nam nên việc xuất khẩu cá tra sẽ càng thêm khó khăn.
Lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất cá tra tại Hậu Giang cho biết đang phải gồng mình khi cùng lúc gặp nhiều yếu tố bất lợi. “Chúng tôi đang chuyển hướng xuất khẩu sang ASEAN, Nhật Bản để thích ứng. Hơn một tháng nay chúng tôi cũng thấy gặp thuận lợi hơn khi các thị trường này chấp nhận giá tăng do nguyên liệu đầu vào", lãnh đạo doanh nghiệp này nói.
Công ty Tradex Foods Canada cũng thừa nhận giá cá tra đang tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và leo thang trong những tháng tới. Do đó, các doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khi giá xuất khẩu cạnh tranh. Hiện, một số có xu hướng chuyển từ thị trường Mỹ sang Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN.
Tuy nhiên, theo Vasep, điều đáng lo ngại khi xuất khẩu sang Trung Quốc chính là việc bất ổn về nhu cầu và phương thức thanh toán. Cụ thể, thời gian qua, giá xuất bằng đường chính ngạch cao hơn 1 USD một kg so với các sản phẩm tiểu ngạch. Do đó, Vasep đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra hiện nay để bảo đảm chất lượng cá tra xuất khẩu. Đồng thời, Bộ cần nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra sang thị trường này.
Theo Vnexpress