Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua, giúp người nuôi thắng đậm. Theo các doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh là do thị trường xuất khẩu hiện nay tiếp tục thuận lợi, trong khi nguồn cá tới lứa thu hoạch không nhiều, cung cầu mất cân đối đã đẩy giá cá lên cao.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản An Giang phân tích: “Điều đáng trăn trở hiện nay là nguồn cá tra giống khan hiếm trầm trọng, do việc sản xuất con giống thời gian qua gặp khó khăn. Hiện cá tra giống đã tăng vọt lên đến 50.000- 60.000 đồng/kg (cỡ 30con/kg) nhưng người nuôi trong vùng rất khó tìm mua được con giống”.
Nhiều hộ sản xuất cá giống lâu năm ở các tỉnh Đồng Tháp và An Giang nhìn nhận, nghề làm cá giống cũng lắm rủi ro bởi giá cả lên xuống thất thường không ổn định. Khi cá tra nguyên liệu giảm thì ít người nuôi và cá giống giảm theo; ngược lại khi cá tra nguyên liệu tăng, nhiều người mở rộng diện tích nuôi và cá giống tăng theo…
Ngoài ra, gần đây, chất lượng cá giống bị sụt giảm do ảnh hưởng nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến tỷ lệ hao hụt của việc nuôi cá tra thương phẩm tăng cao hơn 30%...
Trước thực trạng trên, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các tỉnh ĐBSCL khẩn trương đầu tư phát triển con giống cá tra. Mục tiêu là xây dựng đề án phát triển giống cá tra, dự kiến đến năm 2020 có 1.000 ha tham gia chuỗi sản xuất giống chất lượng, chiếm khoảng 50% diện tích ương giống cá tra ở ĐBSCL; cung cấp khoảng 50% nhu cầu con giống cá tra (tương đương 1,75 tỷ con giống).
Đến năm 2025, cung cấp 70% nhu cầu giống cá tra (tương đương 2,8 tỷ con giống), nhằm phục vụ tốt nguồn cá giống, giúp các tỉnh ĐBSCL chủ động trong việc nuôi cá tra thương phẩm phục vụ xuất khẩu…
Nguồn Sài Gòn giải phóng