Thứ Sáu, 22/11/2024 05:04:44 GMT+7
Lượt xem: 4383

Tin đăng lúc 28-06-2018

Giá dầu mỏ thế giới sẽ ra sao?

Giá dầu mỏ thế giới năm 2018 tăng và giữ ổn định ở mức cao do những bất ổn chính trị tại các khu vực giàu dầu mỏ, các tranh chấp thương mại, sự suy yếu của đồng USD … Tuy nhiên, giá dầu trong thời gian tới dự đoán khó tăng mạnh và có thể duy trì ở mức dưới 65 USD-70 USD/thùng đến hết 2018.
Giá dầu mỏ thế giới sẽ ra sao?
Ảnh minh họa

Vì sao giá dầu mỏ tăng và giữ ổn định ở mức cao?

 

Điểm mới nổi bật của nửa đầu năm 2018 là giá xuất khẩu dầu mỏ tăng gần 45% so cùng kỳ năm ngoái và duy trì ở mức cao hơn 75 USD (đỉnh điểm có lúc hơn 80 USD/thùng) và ổn định nhất trong bốn năm qua, so với thời điểm thấp nhất có lúc dưới 30 USD và cao nhất có lúc lên mức 60 USD/ thùng năm 2016, mức cao nhất 110 USD/thùng của năm 2014 và mức 140 USD/thùng kỷ lục lịch sử của năm 2008.

 

Giá dầu biển Brent (Anh) khởi đầu năm 2018 với mức tăng đạt 66 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 5-2015, trong khi giá dầu WTI - West Texas Intermediate - (Mỹ) cũng đạt 60 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 6-2015. Trong tháng 4/2018, giá dầu Brent đã đạt mức đỉnh 75 USD/thùng của bốn năm gần đây sau khi phong trào vũ trang Houthis – được sự hậu thuẫn của Iran – tung ra các cuộc tấn công tên lửa không thành công chống lại Saudi Araba nhằm trả đũa việc Saudi Araba đã giết chết một thủ lĩnh cấp cao của nhóm.

 

Sự tăng trưởng ấn tượng này do nhiều nguyên nhân kinh tế và địa chính trị, mà nổi bật là:

 

Thứ nhất, nguy co giảm sản lượng cung dầu thế giới gắn với khủng hoảng thỏa thuận hạt nhân Iran và bất ổn khu vực địa chính trị.

 

Hồi đầu tháng 1/2016, việc Iran được dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế để đổi lấy việc kiềm chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đã giúp nước này trở lại vị thế hàng đầu trong xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận P5+1 với Iran hôm 8-5, kèm theo việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran do nghi ngờ nước này không trung thực trong việc thi hành thỏa thuận. Hiện Iran đang xuất khẩu khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6 và các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu trong khoảng từ 200.000 đến 1 triệu thùng dầu/ngày.

 

Các cuộc biểu tình rầm rộ tại Iran hồi đầu năm 2018 tại Iran – nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 OPEC – được coi là thách thức chính trị lớn nhất đối với chính quyền nước này kể từ Phong trào Xanh hồi năm 2009, cùng với sự bất ổn kinh tế của Venezuela và sự sụt giảm sản lượng của các nước Mỹ Latinh, đã góp phần giúp dầu tăng giá. Ngày 22-5, trước sự tái đắc cử của Tổng thống Nicolas Maduro, Mỹ đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Venezuela. Tổng thống Mỹ đã cấm hệ thống tài chính phương Tây tham gia mua nợ của Venezuela, bao gồm cả nợ của công ty dầu khí quốc gia của nước này. Theo báo cáo mới nhất của Barclays, trong các tháng tiếp theo, sản lượng dầu mỏ của Venezuela có thể giảm đến dưới 1 triệu thùng/ngày so với mức 1,5 triệu thùng/ngày của tháng 4-2018.

 

Bên cạnh đó, vẫn đang tiếp diễn sự căng thẳng trong khu vực giữa Saudi Arabia với hai nước thành viên khác của OPEC là Qatar và Iran. Bên cạnh mâu thuẫn từ lâu giữa Saudi Arabia và Iran trong vấn đề tôn giáo, thì chính sách đối ngoại mang hướng ủng hộ của Qatar với Iran và một số nhóm chính trị chống đối ở libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, đã khiến quan hệ của nước này với các quốc gia thuộc tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) xấu đi nhanh chóng và thậm chí một số quốc gia Ả Rập, đứng đầu có Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Yemen đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi tháng 6/2017.

 

Một số vấn đề mang tính từng nước, như khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng của Venezuela, bất ổn chính trị tại Iran mà biểu hiện qua làn sóng biểu tình tại đây hồi đầu 2018, hay sự cố cháy nổ các nhà máy lọc dầu tại Libya … cũng góp phần làm giảm nguồn cung dầu mỏ trên thị trường thế giới.

 

Thứ hai, bất chấp nhưng mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ, OPEC vẫn giữ được cam kết duy trì hiệp định cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ với các nước ngoài OPEC, mà đứng đầu là Nga khi mức độ tuân thủ của các thành viên hồi tháng 11/2017 đã lên đến 96%; Sự cắt giảm sản lượng dầu khai thác theo thỏa thuận này đạt tới mức 125% trong tháng 12/2017.

 

Sang năm 2018, mức cắt giảm tiếp tục gia tăng. Theo IEA (International Energy Agency), mức cam kết của nhóm OPEC đã tăng kỷ lục 164% trong tháng 3/2018 so với mức 148% của tháng 2/2018, trong khi 10 nước ngoài OPEC đã có mức cắt giảm vượt 85% so với cam kết vào tháng 3/2018 và 78% trong tháng 2/2018.

 

Thứ ba, sự tăng trưởng đồng đều của kinh tế thế giới cũng góp phần gia tăng nhu cầu dầu mỏ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố ngày 23-1 tại diễn đàn Davos (Thụy Sĩ), kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2018, góp phần làm tăng nhu cầu dầu mỏ. Trên thực tế, dựa theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 9-1, nhu cầu dầu mỏ của thế giới được dự đoán sẽ đạt 1,7 triệu thùng trong 2018 và năm 2019, sau khi đã tăng lên mức 1,4 triệu thùng trong năm 2017.

 

Thứ tư, sự suy yếu của đồng USD cũng làm tăng giá dầu mỏ, khi riêng năm 2017, đồng USD đã suy yếu 10% so với đồng Euro và 5,5% so với đồng Nhân dân tệ. Đây là mức giảm mạnh nhất của đồng USD trong gần một thập kỷ, mặc dù FED là nâng lãi suất tổng cộng ba lần trong năm 2017 và tổng cộng tới bảy lần tính đến giữa tháng 6/2018 (hiện ở mức 1,75-25) và quốc hội Mỹ cũng đã thông qua chương trình cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump.

 

Thứ năm, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng không còn tập trung tăng trưởng để tận dụng mức giá tăng. Thay vào đó, họ tập trung tăng trưởng sinh lời nhất có thể. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm từ 424.462.000 thùng ngày 29-12-2017 xuống còn 411.583.000 thùng vào ngày 19-1-2018, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2015, khi các nhà máy lọc dầu đã tăng năng suất lên cao nhất trong hơn một thập kỷ. Đặc biệt, kho dự trữ của Mỹ đã giảm tuần thứ 10 liên tiếp trong chuỗi giảm kéo dài kỉ lục, tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014. Lượng dầu dự trữ của các nước OECD cũng đã giảm từ 137 triệu thùng xuống 133 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm.

 

Dự báo giá dầu mỏ nửa cuối năm 2018

 

Triển vọng trong tương lai gần, giá dầu thế giới khó tăng cao, nhưng cũng khó giảm mạnh, do các nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đều không muốn giá dầu tăng và nhóm các nước OPEC và ngoài OPEC (dẫn đầu là Nga) vẫn đang có kế hoạch kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến hết năm 2018 và bỏ ngỏ khả năng tiếp tục duy trì sang năm 2019. Mới đây nhất, vào ngày 24-5 vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Saint Petersburg lần thứ 22, Tổng thống Putin cho biết nước Nga không muốn giá dầu tiếp tục tăng. Ông cho rằng mức giá 60 USD/ thùng là hợp lý và rằng thị trường dầu mỏ trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thỏa thuận hạt nhân của Iran.

 

Bên cạnh đó, giá dầu khó tăng do đồng USD đang tăng giá và FED vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất bốn lần trong năm 2018.

 

Tín hiệu và những động thái nồng ấm trong quan hệ Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên và với Mỹ cũng góp phần đáng kể làm giảm căng thẳng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khu vực, kéo theo nhu cầu dầu mỏ gia tăng.

 

Bổ sung lực đẩy giá dầu tăng còn là vấn đề xung đột tại Trung Đông, nhất là sau khi Mỹ đã thực hiện cuộc tấn công vào Syria ngày 14-4 và 30-4-2018, và sự bế tắc trong vấn đề đàm phán hạt nhân với Iran sau khi Mỹ rút khỏi đàm phán P5+1. Mỹ đang thúc đẩy các nước giảm kim ngạch nhập khẩu dầu từ Iran xuống mức 0 vào tháng 11/2018 tới, trong khi hoạt động xuất khẩu dầu thô tại Libya thiếu ổn định.

 

Tuy nhiên, giá dầu có áp lực giảm do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến bảo hộ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, một số nước đồng minh châu Âu và các quốc gia khác có thể làm giảm sức tiêu thụ toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ, việc làm, sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán thế giới. Trong 5 tháng đầu 2018, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm tới 92% so với cùng kỳ năm ngoái, dừng ở mức 1,8 tỷ USD.

 

Ngoài ra, việc Trung Quốc phát hành hợp đồng tương lai dầu thô bằng đồng Nhân dân tệ được coi là ẩn số và kỳ vọng sẽ khấy động thị trường dầu mỏ trong năm 2018.

 

Như vậy, có thể thấy, giá dầu trong thời gian tới về cơ bản có thể tạm đoán định là khó tăng mạnh và có thể duy trì ở mức dưới 65 USD-70 USD/thùng đến hết 2018. Vấn đề gây lo ngại nhất hiện nay là sức tiêu thụ và sản lượng sản xuất toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng ra sao từ chính sách bảo hộ của Mỹ nói riêng và chính sách trả đũa của các quốc gia bị ảnh hưởng nói chung, cũng như tâm lý phòng bị của thị trường có thể khiến kinh tế thế giới khó duy trì sự tăng trưởng ổn định.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang